Chủ trương của Đảng

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ ĐẢNG (Trang 25 - 28)

- Giá trị thực tiễn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam.

1. ĐẢNG LÃNH ĐẠO CAO TRÀO CÁCH MẠNG 1930–1931 VÀ XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH

1.2. Chủ trương của Đảng

Trong Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Đảng đã kêu gọi quần chúng công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, và tất cả những người bị áp bức, bóc lột gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng nhằm thực hiện mục tiêu: “Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng (…) Làm cho nước An Nam được độc lập”.

Đảng chủ trương phát động quần chúng đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cải thiện đời sống; chống địch khủng bố trắng, đòi trả tự do cho những người yêu nước bị bắt, đòi bồi thường cho gia đình những nạn nhân và làng mạc bị tàn phá.

Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú về nước, sau đó được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được phân công cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất của Đảng được triệu tập từ ngày 14 đến ngày 30 - 10 - 1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú. Hội nghị thông qua Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, Điều lệ Đảng và Điều lệ các tổ chức quần chúng.

Thực hiện chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Việc đổi tên Đảng nhằm mục đích lãnh đạo cách mạng 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia cùng đấu tranh chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp, thực hiện khẩu hiệu Đông Dương hoàn toàn độc lập, người cày có ruộng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng: bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm có 7 người, trong đó có Trần Phú, Nguyễn Trọng Nhã, Trần Văn Lan, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Đức Trì,... Ban Thường vụ Trung ương gồm có Trần Phú, Ngô Đức Trì và Nguyễn Trọng Nhã. Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư. Đồng thời quyết định khôi phục lại cấp bộ Xứ ủy, là cơ quan lãnh đạo của Đảng ở mỗi miền. Hội nghị quyết định một số chủ trương biện pháp để phát triển phong trào cách mạng, phát triển các tổ chức quần chúng và công tác đảng.

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và xứ Đông Dương, vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và Đề cương cách mạng thuộc địa của Quốc tế Cộng sản, Luận cương chính trị nêu lên những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Đông Dương.

Luận cương phân tích xã hội Đông Dương là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn giai cấp diễn ra gay gắt giữa một bên là thợ thuyền, dân cày và các phần tử lao khổ với một bên là địa chủ phong kiến, tư bản và đế quốc.

Luận cương khẳng định tính chất cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền sau khi thắng lợi sẽ tiếp tục phát triển bỏ qua giai

đoạn tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. “Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng”15.

Nhiệm vụ cách mạng tư sản dân quyền gồm hai nhiệm vụ chiến lược: đánh đổ phong kiến giành ruộng đất cho dân cày, thực hành cách mạng ruộng đất triệt để và đánh đổ đế quốc thực dân Pháp làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. “Hai mặt tranh đấu có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa.”16

Về lực lượng cách mạng: Luận cương nêu rõ lực lượng chính của cách mạng tư sản dân quyền là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, trong đó giai cấp công nhân là động lực chính và mạnh, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nông dân có số lượng đông đảo là động lực mạnh.

Về hình thức và phương pháp cách mạng: Luận cương khẳng định để đạt được mục tiêu cơ bản của cuộc cách mạng là đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành chính quyền về tay công nông thì phải ra sức chuẩn bị cho quần chúng về con đường “võ trang bạo động”. Khi có tình thế trực tiếp cách mạng thì Đảng phải lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay công nông.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Luận cương chính trị nhấn mạnh: điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải qua tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của giai cấp vô sản, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc, đại biểu quyền lợi chính và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương.

Về quan hệ quốc tế: cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, liên minh chặt chẽ với vô sản thế giới, nhất là vô sản Pháp, liên lạc với quần chúng cách mạng các nước thuộc địa và bán thuộc địa, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Những nội dung cơ bản của Luận cương chính trị cho thấy Luận cương đã xác định được những vấn đề chiến lược của cách mạng Đông Dương. Luận cương đã khẳng định lại nhiều vấn đề cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ được nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên. Tuy nhiên,

15 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, tập 2, tr.93

Luận cương còn có một số hạn chế, không chỉ ra được mâu thuẫn giữa dân tộc và đế quốc là mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam lúc đó, do vậy không đặt mục tiêu chống đế quốc thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu mà nặng về đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất. Luận cương đánh giá không đúng khả năng cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, khả năng chống đế quốc, phong kiến của giai cấp tư sản dân tộc, khả năng tham gia cách mạng của một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ. Nguyên nhân của hạn chế, về chủ quan là do Luận cương chưa nắm vững đặc điểm của xã hội Việt Nam thuộc địa, nửa phong kiến, giáo điều rập khuôn trong vận dụng nghị quyết của Quốc tế Cộng sản và kinh nghiệm của các nước. Về khách quan, chịu ảnh hưởng quan điểm tả khuynh của Quốc tế Cộng sản. Những hạn chế này sau đó nhanh chóng được Đảng ta khắc phục qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, tiếp tục lãnh đạo đưa phong trào cách mạng phát triển.

Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thành lập Hội phản đế đồng minh, đánh giá đúng thái độ, vai trò của các giai tầng trong xã hội trên cơ sở đó để tập hợp lực lượng chống đế quốc. Tháng 3-1931, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ hai ở Sài Gòn, phê phán các sai lầm “hữu” khuynh và “tả” khuynh, chỉ đạo đấu tranh chống địch đàn áp phong trào cách mạng.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ ĐẢNG (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w