ĐẢNG LÃNH ĐẠO CAO TRÀO GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM (1939-1945)

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ ĐẢNG (Trang 43 - 46)

- Giá trị thực tiễn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam.

4. ĐẢNG LÃNH ĐẠO CAO TRÀO GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM (1939-1945)

TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM (1939-1945)

4.1. Đảng chủ trương nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc

4.1.1. Hội nghị Trung ương tháng 11-1939

Hoàn cảnh lịch sử:

Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Ngày 3-9-1939, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Tháng 4-1940, Đức tấn công sang phía Tây, chiếm Đan Mạch, Na-uy, Bỉ, Phần Lan, Lúc-xăm-bua và Pháp. Chính phủ phản động Pháp Daladier mạnh tay thi hành hàng loạt biện pháp đàn áp lực lượng dân chủ ở trong nước và phong trào cách mạng ở thuộc địa. Mặt trận nhân dân Pháp bị tan vỡ, Đảng Cộng sản Pháp bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Cuộc chiến tranh thế giới ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến tình hình mọi mặt của Đông Dương. Chính phủ phản động Pháp tiến hành phát xít hóa bộ máy thống trị, thực hiện chính sách cai trị thời chiến, ban bố lệnh thiết quân luật, điên cuồng tấn công Đảng Cộng sản Đông Dương, đàn áp dã man các lực lượng yêu nước và tiến bộ. Những quyền lợi mà nhân dân ta đấu tranh đạt được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ bị thủ tiêu. Thực dân Pháp tăng cường vơ vét, bóc lột Đông Dương bằng việc thực hiện “kinh tế chỉ huy”, tăng thuế, trưng thu, trưng dụng nhà máy, xí nghiệp tư nhân phục vụ chiến tranh. Chúng còn ban bố lệnh tổng động viên, đôn quân, bắt lính, bắt phu, đưa hàng vạn thanh niên Việt Nam sang Pháp đi lính.

Dưới ách cai trị phát xít của thực dân Pháp, mọi tầng lớp nhân dân đều chịu ảnh hưởng nặng nề, bị đẩy vào cảnh sống ngột ngạt, khủng bố về chính trị và bần cùng về kinh tế. Mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Pháp và tay sai trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, trở thành mâu thuẫn chủ yếu, đặt ra đòi hỏi Đảng phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Vấn đề sống còn đang đặt ra một cách cấp thiết đối với mọi tầng lớp nhân dân, thúc đẩy nhanh tốc độ “cách mạng hóa” ở Đông Dương.

Trước và sau khi chiến tranh bùng nổ, Đảng đã chỉ thị cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và tổ chức quần chúng nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, nhờ đó bảo toàn được lực lượng.

Nội dung hội nghị:

Ngày 6-11-1939, Đảng triệu tập Hội nghị Trung ương 6 tại Bà Điểm, Hóc Môn, tham gia có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Tổng bí thư) chủ trì, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần… Hội nghị đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên vị trí hàng đầu.

Hội nghị phân tích chiến tranh đã thúc đẩy các mâu thuẫn vốn có của xã hội thuộc địa nửa phong kiến lên mức quyết liệt, gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết; mà mâu thuẫn chủ yếu, gay gắt nhất là mâu thuẫn giữa đế quốc và các dân tộc Đông Dương. Những thảm họa do chiến tranh đế quốc gây nên sẽ làm cho trình tự cấp tiến hóa và cách mạng hóa của quần chúng hết sức mau chóng… Cuộc chiến tranh đế quốc lần này “sẽ nung nấu cách mệnh Đông Dương nổ bùng và tiền đồ cách mệnh giải phóng Đông Dương nhất định sẽ quang minh rực rỡ”18. Kẻ thù cụ thể, nguy hiểm nhất của cách mạng Đông Dương lúc này là đế quốc Pháp – Nhật và bọn tay sai phản bội dân tộc. Mục tiêu chiến lược trước mắt của nhân dân Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.

Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc thực dân và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc chia cho dân cày nghèo; chống tô cao, lãi nặng. Khẩu hiệu thành lập Chính quyền Xôviết công nông binh được thay thế bằng khẩu hiệu thành lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương bao gồm lực lượng chính là công nhân, nông dân, đoàn kết với tiểu tư sản thành thị và nông thôn, đồng minh hoặc trung lập tạm thời với giai cấp tư sản bản xứ, trung và tiểu địa chủ.

Phương pháp cách mạng và hình thức đấu tranh có sự thay đổi phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trước mắt. Đảng quyết định chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai; chuyển từ hình thức đấu tranh, hoạt động công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp thông

qua các tổ chức quần chúng bí mật (công hội, nông hội, thanh niên phản đế, phụ nữ phản đế), chuẩn bị những điều kiện tiến đến bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Để đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra, Hội nghị quyết định các chủ trương và biện pháp trong công tác xây dựng đảng, củng cố, phát triển Đảng về mọi mặt, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, nhấn mạnh việc thắt chặt hơn nữa mối liên hệ với đông đảo quần chúng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939 đã đánh dấu một bước chuyển hướng quan trọng trong chỉ đạo chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng ta, kịp thời nêu ra mục tiêu chiến lược giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tăng cường mặt trận dân tộc thống nhất và đưa nhân dân ta bước vào thời kỳ trực tiếp vận động để cứu nước. Chủ trương mới của Hội nghị đã chứng tỏ sự nhạy bén về chính trị và năng lực sáng tạo của Đảng trong bước chuyển mới của cách mạng. Nghị quyết của hội nghị được phổ biến trong cả nước, Nam kỳ tiếp thu sớm nhất và quan điểm của hội nghị tác động lớn đến cuộc khởi nghĩa Nam kỳ về những vấn đề chiến lược, sách lược, tập hợp lực lượng và những khẩu hiệu đấu tranh.

4.1.2. Hội nghị Trung ương tháng 11-1940

Hoàn cảnh lịch sử:

Khoảng giữa năm 1940, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi. Tháng 6-1940, Đức tấn công nước Pháp và chính phủ Pháp đầu hàng. Nhật Bản mở rộng chiến tranh xuống Đông Nam Á, ngày 23-9-1940, quân Nhật vượt qua biên giới Việt – Trung, đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ lên Đồ Sơn. Sau 3 ngày giao tranh, quân Pháp nhanh chóng thua cuộc, đầu hàng và rút chạy. Chính quyền địch những nơi này bị lung lay, tan rã. Sau đó Pháp – Nhật thỏa thuận cùng thống trị Đông Dương, nhân dân Đông Dương phải chịu hai tầng xiềng xích áp bức của Pháp và Nhật. Đêm ngày 27-9-1940, Đảng bộ Bắc Sơn kịp thời lãnh đạo nhân dân đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ. Khởi nghĩa Bắc Sơn tồn tại trong vòng một tháng nhưng là tiếng súng đầu tiên báo hiệu thời kỳ đấu tranh mới của các dân tộc Đông Dương, thời kỳ sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng; thức tỉnh tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước.

Ở Nam kỳ, thực dân Pháp đẩy nhân dân đi làm bia đỡ đạn trong cuộc xung đột Pháp – Thái. Nhân dân Nam kỳ và binh lính sôi nổi đấu tranh chống bắt lính, chống đưa lính ra mặt trận. Xứ ủy Nam kỳ họp bàn chủ trương khởi nghĩa, dự định ngày khởi nghĩa và cử đại biểu ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương.

Trong thời gian này, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong Ban Chấp hành Trung ương bị địch bắt, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần (ủy viên trung ương Đảng, kiêm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ), Nguyễn Thị Minh Khai - ủy viên Xứ ủy Nam kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn…

Nội dung hội nghị:

Trong bối cảnh lịch sử đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 được triệu tập tại Đình Bảng, Bắc Ninh từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940 do đồng chí Trường Chinh chủ trì.

Căn cứ vào việc phân tích tình hình chiến tranh và ảnh hưởng của nó đối với cách mạng Đông Dương, Hội nghị dự đoán: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy sứ mệnh thiêng liêng: lĩnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”19.

Hội nghị nhận định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Pháp – Nhật. Hội nghị khẳng định Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương lúc này chính là mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật ở Đông Dương.

Hội nghị chủ trương đi liền với việc mở rộng Mặt trận phản đế, phải lựa chọn những người hăng hái nhất trong các đoàn thể của Mặt trận, tổ chức các đội tự vệ “trực tiếp võ trang cho quần chúng”, “tổ chức cách mạng quân”, tiến lên võ trang bạo động.

Hội nghị quyết định phát triển ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, chủ trương thành lập các đội du kích hoạt động phân tán, dùng hình thức vũ trang vừa chiến đấu chống địch, bảo vệ nhân dân, nhằm bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang, vừa phát triển cơ sở cách mạng, tiến tới thành lập khu căn cứ cách mạng, lấy vùng Bắc Sơn, Vũ Nhai làm trọng tâm.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ ĐẢNG (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w