- Giá trị thực tiễn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam.
2. ĐẢNG LÃNH ĐẠO ĐẤU TRANH KHÔI PHỤC HỆ THỐNG TỔ CHỨC ĐẢNG, KHÔI PHỤC PHONG TRÀO CÁCH MẠNG VÀ ĐẠ
2.4. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (3-1935)
Đầu năm 1935, trên cơ sở hệ thống tổ chức của Đảng được khôi phục, xây dựng lại, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phục hồi và phát triển, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định triệu tập Đại hội Đảng lần thứ nhất.
Đại hội họp từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935 tại Ma Cao (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Huy Tập. Tham dự Đại hội có 13 đại biểu thay mặt cho 600 đảng viên thuộc các đảng bộ trong nước và các tổ chức Đảng hoạt động ở nước ngoài.
Đại hội đã kiểm điểm phong trào cách mạng, quá trình hoạt động của các cấp bộ Đảng từ năm 1932-1935, tiếp tục khẳng định nội dung của Luận cương chính trị tháng 10-1930 và Chương trình hành động của Đảng tháng 6-1932.
Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu của toàn Đảng trong thời gian trước mắt là: củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi, chống chiến tranh đế quốc.
Về nhiệm vụ phát triển và củng cố Đảng, đại hội khẳng định phải chú trọng tăng cường phát triển đảng ở những nơi tập trung đông công nhân như các xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ, đường giao thông quan trọng, biến mỗi xí nghiệp thành một thành lũy của Đảng; đồng thời phải đưa nông dân lao động và trí thức cách mạng đã trải qua thử thách vào Đảng. Phải chăm lo tăng cường các đảng viên ưu tú xuất thân từ công nhân vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Để bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động, các đảng bộ cần tăng cường phê bình và tự phê bình đấu tranh trên cả hai mặt chống “tả” khuynh và “hữu” khuynh, giữ vững kỷ luật của Đảng.
Về thu phục quảng đại quần chúng, mở rộng mặt trận thống nhất phản đế, Đại hội chỉ rõ Đảng mạnh là căn cứ vào ảnh hưởng và thế lực của Đảng trong quần chúng. Nếu Đảng không mật thiết liên lạc với quần chúng, không được quần chúng tán thành và ủng hộ những khẩu hiệu của mình thì những nghị quyết cách mạng đưa ra vẫn chỉ là lời nói suông. “Thâu phục quảng đại quần chúng là một nhiệm vụ trung tâm, căn bản, cần kíp của Đảng hiện thời”17. Về vấn đề chống chiến tranh đế quốc, Đại hội cho rằng phải vạch trần luận điệu “hoà bình” giả dối của bọn đế quốc, giải thích cho quần chúng thấy rõ chiến tranh đế quốc đã bắt đầu. Khẳng định nhiệm vụ
chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên bang Xô Viết, ủng hộ cách mạng Trung Quốc. Đại hội quyết định thành lập Ban Chống chiến tranh đế quốc do Đảng lãnh đạo, bao gồm đại biểu nhiều tổ chức cách mạng và cá nhân yêu nước, hoà bình và công lý.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, về công tác liên minh phản đế, công tác vận động các dân tộc thiểu số, về đội tự vệ, Cứu tế đỏ.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 uỷ viên (9 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết). Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Đại hội đánh dấu sự thắng lợi của cuộc đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương. Đại hội đã quy tụ, thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội đã đem lại cho toàn thể đảng viên và quần chúng niềm tin vào Đảng, vào cách mạng. Đại hội cũng có một số hạn chế như: chủ trương vạch ra không sát với phong trào cách mạng thế giới và trong nước thời điểm đó; chưa thấy hết nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh đế quốc nên chưa đề cập vấn đề lợi dụng mâu thuẫn, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chủ nghĩa phát xít; chưa đề ra được chủ trương và phương pháp đấu tranh phù hợp tình hình mới khi chủ nghĩa phát xít đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh.
Mặc dù còn một số hạn chế nhưng Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã đánh dấu thắng lợi căn bản cuộc đấu tranh giữ gìn, khôi phục hệ thống tổ chức Đảng, chuẩn bị cho Đảng bước vào thời kỳ đấu tranh mới. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng được khôi phục nhanh chóng là điều kiện cơ bản để Đảng phát động và lãnh đạo cao trào dân tộc dân chủ những năm 1936-1939.
Từ thực tiễn phong trào đấu tranh khôi phục tổ chức Đảng và phục hồi phong trào cách mạng, Đảng đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là những kinh nghiệm đấu tranh giữ vững lòng tin vào tiền đồ cách mạng, giữ vững khí tiết cộng sản, đấu tranh xây dựng cơ sở đảng trong bí mật, kinh nghiệm tận dụng triệt để mọi hình thức tổ chức và phương pháp đấu
tranh lãnh đạo quần chúng đòi quyền dân sinh, dân chủ, khôi phục phong trào, chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo của cách mạng.