Chủ trương mới của Đảng

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ ĐẢNG (Trang 38 - 40)

- Giá trị thực tiễn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam.

3. ĐẢNG LÃNH ĐẠO CAO TRÀO CÁCH MẠNG 1936-1939 1 Hoàn cảnh lịch sử

3.2. Chủ trương mới của Đảng

Căn cứ vào diễn biến tình hình, tháng 7-1936 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Thượng Hải (Trung Quốc), do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì đã kịp thời đề ra chủ trương mới bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, xây dựng lực lượng, cũng như phương pháp tổ chức và đấu tranh trong tình hình mới.

Hội nghị khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền là chống đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày là không thay đổi, nhưng để phù hợp với tình hình mới,

Hội nghị của Đảng xác định mục tiêu trực tiếp trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi dân chủ, dân sinh, hòa bình. Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng. Khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp”, “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo” được tạm thời gác lại, chỉ nêu khẩu hiệu mới “Tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình”.

Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương bao gồm các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tổ chức chính trị, xã hội và tôn giáo với nòng cốt là liên minh công – nông. Hội nghị chủ trương chuyển các hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh của quần chúng từ hình thức bí mật, bất hợp pháp là chủ yếu sang hình thức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp là chủ yếu nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng, mở rộng mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, giáo dục và lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo những khẩu hiệu thích hợp. Về công tác xây dựng Đảng, Hội nghị khẳng định Đảng cần phải củng cố tổ chức và công tác bí mật, thu nạp đảng viên và củng cố hàng ngũ của Đảng.

Những chủ trương mới của Đảng tại hội nghị Trung ương tháng 7- 1936 đã thể hiện bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về chỉ đạo chiến lược và sách lược, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa mục tiêu chiến lược và mục tiêu cụ thể trước mắt của cách mạng, mối quan hệ giữa mục tiêu đấu tranh và hình thức tổ chức, hình thức đấu tranh, mối quan hệ giữa liên minh công nông và mặt trận, giữa phong trào cách mạng Đông Dương với phong trào cách mạng Pháp và thế giới, bước đầu giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến. Những quyết định của Hội nghị phản ánh Đảng ta đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của các dân tộc Đông Dương trong bối cảnh lúc bấy giờ, bổ khuyết cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, mở ra cho cách mạng Đông Dương một thời kỳ phát triển mới.

Ngày 30-10-1936, Đảng công bố văn kiện “Chung quanh vấn đề chính sách mới”, nhấn mạnh chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế dẫn dắt nhân dân đấu tranh thực hiện mục tiêu trước mắt, đòi những quyền dân chủ tối thiểu. Đảng khẳng định, hai nhiệm vụ chiến lược không nhất thiết phải thực hiện cùng lúc ngang bằng mà tùy hoàn cảnh cụ thể và căn cứ vào việc xác định kẻ thù chính, nguy hiểm nhất để tập trung lực lượng của một dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược đó.

Tháng 3-1937, Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng, sau đó là các hội nghị Trung ương tháng 8-1937, tháng 3-1938 bổ sung, phát triển các chủ trương, biện pháp cụ thể về công tác tổ chức, công tác mặt trận, công tác đấu tranh hợp pháp để đẩy mạnh phong trào. Tại hội nghị Trung ương tháng 3-1938, Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận Dân chủ.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ ĐẢNG (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w