- Giá trị thực tiễn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam.
3. ĐẢNG LÃNH ĐẠO CAO TRÀO CÁCH MẠNG 1936-1939 1 Hoàn cảnh lịch sử
3.3. Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ
Khởi đầu phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ là phong trào Đông Dương đại hội. Nhân dịp Quốc hội Pháp cử phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương, Đảng chủ trương phát động và tổ chức các tầng lớp nhân dân thu thập nguyện vọng tự do, dân chủ, dân sinh thảo ra các bản dân nguyện gửi tới phái đoàn điều tra. Đảng đã vận động Nguyễn An Ninh đứng ra cổ động thành lập Đông Dương Đại hội. Chỉ trong thời gian ngắn, phong trào nhân dân hưởng ứng Đông Dương Đại hội lan nhanh từ Nam ra Bắc. Các Ủy ban hành động thu thập dân nguyện được thành lập khắp nơi. Thực dân Pháp đã ra lệnh cấm và đàn áp phong trào. Nhưng trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, tháng 10-1936, thực dân Pháp phải đưa ra một số quy định về quyền lợi cho công nhân và người dân lao động như ngày làm 8 giờ, được nghỉ chủ nhật, nghỉ phép năm có lương, thi hành một phần “ân xá” tù chính trị... Phong trào Đông Dương Đại hội đã đánh dấu bước phục hồi mạnh mẽ của phong trào cách mạng.
Đầu năm 1937, đặc phái viên của chính phủ Pháp Giuytxtanh Gôđa sang Đông Dương điều tra và Toàn quyền Brêviê đến Đông Dương nhậm chức. Nhân cơ hội này, Đảng tiếp tục vận động, tập hợp quần chúng tham gia đi đón Gôđa và Brêviê, đưa yêu sách đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nhiều cuộc mittinh, biểu tình lớn diễn ra từ Nam tới Bắc trở thành những cuộc biểu dương lực lượng lớn của quần chúng, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào.
Song song với cuộc vận động Đông Dương Đại hội, Đảng lãnh đạo tổ chức các tầng lớp nhân dân đấu tranh đòi quyền lợi khắp nơi trên cả nước. Công nhân bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống cúp phạt, đánh đập, đòi tự do nghiệp đoàn. Nông dân đấu tranh đòi giảm sưu thuế, cải cách hương thôn. Tiểu thương, tiểu chủ bãi thị, đòi giảm thuế chợ, thuế hàng. Học sinh bãi khóa, công chức đòi tăng lương... Từ năm 1936 - 1938, mỗi năm diễn ra hàng trăm cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân. Từ thực tế phát triển của phong trào, Đảng đã quyết định thành lập Đoàn thanh niên phản đế Đông Dương thay Đoàn thanh niên cộng sản, Hội Cứu tế bình dân
thay Hội cứu tế đỏ, Công hội thay công hội đỏ, v.v... Ở nông thôn lập hội cấy, hội gặt, hội chèo, hội hiếu hỉ, nhóm học quốc ngữ... Các hình thức tổ chức mang tính chất kinh tế, văn hóa, xã hội, các hội quần chúng công khai, nửa công khai như hội ái hữu, tương tế, thể thao, âm nhạc đã tận dụng các khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp tập hợp rộng rãi các tầng lớp quần chúng nhân dân tham gia phong trào. Qua phong trào, trình độ giác ngộ của quần chúng ngày càng cao, trình độ tổ chức của các cơ sở Đảng vững vàng hơn.
Trong thời kỳ 1936-1939, Đảng triển khai một hình thức đấu tranh mới trên nghị trường. Đảng tổ chức vận động đưa những người tiến bộ trong hàng ngũ trí thức, phong kiến, tư sản dân tộc, địa chủ cấp tiến tham gia tranh cử trong các cuộc vận động bầu cử vào các Viện Dân biểu Trung kỳ, Hội đồng Dân biểu Bắc kỳ, Hội đồng thành phố Hà Nội, Hội đồng quản hạt Nam kỳ (Hội đồng thuộc địa). Mục đích của việc Đảng tham gia đấu tranh công khai ở nghị trường nhằm mở rộng lực lượng của Mặt trận dân chủ, vận động quần chúng, vạch trần chính sách phản động của kẻ địch, bênh vực quyền lợi của nhân dân.
Thời kỳ đấu tranh dân chủ, Đảng đã triệt để sử dụng báo chí công khai làm vũ khí đấu tranh cách mạng, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, vạch trần chính sách áp bức, bóc lột của thực dân và tay sai, tập hợp, hướng dẫn, phản ánh những nguyện vọng đấu tranh của quần chúng. Từ hoạt động tích cực của những đảng viên cộng sản làm công tác báo chí bao gồm cả nhóm bí mật và công khai, hàng chục tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp ra đời. Tờ báo này bị đóng cửa tờ khác lại ra tiếp. Cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng sôi nổi, nhất là ở Bắc kỳ, với các tờ báo được xuất bản như: Hồn Trẻ, Tân Xã Hội, Thời thế, Thời Báo, Tin Tức, Đời nay, Le Travail (Lao động), Noitre voix (Tiếng nói của chúng ta), En avant (Tiến lên),... Ở Trung kỳ có các tờ: Nhành Lúa, Dân, Kinh tế tân văn, Sông Hương tục bản. Ở Nam kỳ có các tờ: La Lutte (Tranh đấu), L’Avant Garde (Tiền phong), Le Peuple (Nhân dân), Dân Chúng, Phổ Thông, Lao động, Mới,... Nhiều sách chính trị, lý luận được xuất bản công khai trong nước như cuốn Chủ nghĩa Các Mác của Hải Triều, Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình. Các tác phẩm văn học hiện thực phê phán nở rộ, tiêu biểu như Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Dông tố, Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Thơ của Tố Hữu, kịch Đời cô Lựu (Trần Hữu Trang)...
Phong trào báo chí công khai với những tờ báo cách mạng mang tính chiến đấu mạnh mẽ đã trở thành mũi xung kích sắc bén trong cuộc vận động dân chủ, dân sinh thời kỳ 1936-1939.
Ngoài ra, cuối năm 1937, Đảng còn phát động phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ nhằm giúp quần chúng nâng cao trình độ hiểu biết về chính trị, cách mạng.
Tháng 7-1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho xuất bản tác phẩm Tự chỉ trích khẳng định đường lối chính trị của Đảng là đúng đắn, phân tích những khuyết điểm và rút ra kinh nghiệm của Đảng trong lãnh đạo Mặt trận Dân chủ. Tự chỉ trích là một tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về tổng kết kinh nghiệm, đấu tranh tự phê bình, phê bình, về đấu tranh chống những quan điểm sai lầm, bảo vệ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, góp phần bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng Đảng, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất.
Thời kỳ vận động dân chủ chấm dứt khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra vào tháng 9-1939.