Đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 –

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ ĐẢNG (Trang 28 - 30)

- Giá trị thực tiễn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam.

1. ĐẢNG LÃNH ĐẠO CAO TRÀO CÁCH MẠNG 1930–1931 VÀ XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH

1.3. Đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 –

mạng 1930 – 1931

Thực hiện chủ trương của Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân diễn ra rộng khắp cả nước. Từ tháng 2 đến tháng 4-1930, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra, đánh dấu bước mở đầu của cao trào cách mạng. Tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, công nhân nhà máy sợi Nam Định, công nhân nhà máy Diêm và Cưa Bến Thủy,… đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cùng với phong trào của công nhân là phong trào của nông dân Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và của các tầng lớp nhân dân khác đòi giảm sưu thuế nổ ra vào tháng 4-1930.

Đến tháng 5-1930, phong trào bãi công của công nhân kết hợp biểu tình của nông dân và nhân dân lao động nổ ra khắp nơi trong phạm vi cả nước: từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sài Gòn, Chợ Lớn đến Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh,... Những cuộc đấu tranh này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lần đầu tiên công nhân và nông dân Việt Nam đã biểu tình để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động đòi quyền lợi cho nhân dân lao động ở trong nước và thể hiện tình đoàn kết cách mạng với nhân dân lao động thế giới.

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1930, phong trào cách mạng sôi nổi thành cao trào. Đến tháng 9-1930, phong trào tiếp tục phát triển lên đỉnh cao. Trong những cuộc đấu tranh của quần chúng có sự kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu dân sinh, dân chủ với mục tiêu đấu tranh chính trị.

Đỉnh cao nhất của cao trào 1930-1931 diễn ra ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị có vũ trang, tự vệ của nông dân với quy mô từ vài nghìn đến vài vạn người tham gia đã nổ ra ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Anh Sơn (Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh)… Tiêu biểu là cuộc biểu tình của hàng vạn nông dân Hưng Nguyên (Nghệ An) (12-09-1930) tập trung và kéo đến huyện lỵ với các khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc”, “đả đảo Nam Triều”, “nhà máy về tay thợ thuyền, ruộng đất về tay dân cày”. Thực dân Pháp hoảng sợ đàn áp dã man đoàn biểu tình, cho máy bay ném bom và xả súng liên thanh làm chết, bị thương hàng trăm người, đốt cháy gần 300 nóc nhà. Từ đó, ngày 12-9 đã được lấy làm ngày kỷ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh.

Sự đàn áp dã man của thực dân Pháp không thể dập tắt ngọn lửa đấu tranh của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong tháng 9, tháng 10-1930, nông dân các huyện Thanh Chương, Diễn Châu (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh) kéo đến các huyện lỵ, nhà giam, nhà ga, xe lửa, cắt dây điện tín, đốt sổ sách, phá nhà lao, phá đồn điền của thực dân Pháp. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân, công nhân Vinh, Bến Thủy bãi công 2 tháng liền để ủng hộ phong trào nông dân và phản đối chính sách đàn áp của thực dân Pháp. Phong trào đấu tranh sôi nổi và quyết liệt của quần chúng ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã giành được quyền làm chủ cơ sở ở nhiều nơi. Chính quyền thực dân tay sai cấp cơ sở tan rã ở nhiều địa phương. Các tổ chức Đảng ở các thôn, xã đã lãnh đạo Nông hội và quần chúng lập ra chính quyền cách mạng của công nhân, nông dân và quần chúng lao động, tự quản đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, thực hiện chức năng của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô-viết. Sau này, hình thức chính quyền này được gọi là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Xô-viết Nghệ Tĩnh đã thực sự làm chức năng của một chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo, điều hành mọi mặt của đời sống xã hội như một tổ chức chính quyền cơ sở, tạo nên một bộ mặt xã hội mới ở nông thôn Nghệ -Tĩnh.

Khi Xô-viết Nghệ Tĩnh nổ ra, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Người đã góp ý với Trung ương Đảng về mục tiêu đấu tranh, chỉ thị cho Trung ương phải nhanh chóng có kế hoạch chống địch khủng bố, bảo vệ dân, bảo vệ tổ chức Đảng. Đồng thời, Người gửi báo cáo yêu cầu Quốc tế Cộng sản giúp đỡ.

Hưởng ứng chủ trương ủng hộ Xô-viết Nghệ Tĩnh của Đảng, nhiều địa phương trong cả nước sôi nổi đấu tranh bằng nhiều hình thức. Trong hai tháng 9, 10-1930, cả nước có hơn 300 cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân.

Hoảng sợ trước sức mạnh của quần chúng, cuối năm 1930, đầu năm 1931, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố trắng, uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân. Chúng mở chiến dịch chiêu hàng, cưỡng bức, phát “thẻ quy thuận”, cô lập đảng viên, tách quần chúng ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng, nhằm tiêu diệt tận gốc phong trào. Tuy nhiên, ngọn lửa cách mạng của cao trào 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh vẫn cháy mãi, như khẳng định của đồng chí Nguyễn Ái Quốc: Bom đạn, súng máy, đốt nhà, dồn binh… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LỊCH SỬ ĐẢNG (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w