- Đường lối kháng chiến của Đảng? Quá trình Đảng chỉ đạo thực hiện
1. ĐẢNG LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở MIỀN BẮC (1954-1975)
1.2.1. Đại hội III của Đảng đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa miền Bắc và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)
miền Bắc và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)
Giữa lúc công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế ở miền Bắc đang giành được những kết quả to lớn và cách mạng miền Nam có bước phát triển nhảy vọt, thì Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ
ngày 5 đến ngày 12-9-1960, tham dự Đại hội có 522 đại biểu chính thức và dự khuyết, thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước.
Đại hội thảo luận và thông qua đường lối tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng ở hai miền:
Một là, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến
mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Hai là, tiến hành đồng thời cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, giải phóng
miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Hai cuộc cách mạng này có quan hệ biện chứng, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển vì: cả hai cuộc cách mạng cùng thực hiện một mục tiêu là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất nước nhà; Thực chất đều do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, do một nhà nước tổ chức, do một quân đội nhân dân tiến hành.
Đại hội đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc:
Xuất phát từ đặc điểm lớn nhất là từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, Đại hội xác định rằng, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến hành ở miền Bắc là một quá trình cải biến cách mạng về mọi mặt. Đó là quá trình đấu tranh gay go giữa hai con đường phát triển, con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá… nhằm đưa miền Bắc từ nền kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất, tiến lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Từ nền sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội về kinh tế được xem là hai mặt của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về phương thức sản xuất. Hai mặt này có quan hệ mật thiết, tác động qua lại và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển, trong đó cải tạo xã hội chủ nghĩa cần đi trước một bước để mở đường cho xây dựng chủ nghĩa xã hội về kinh tế. Từ đó, Đại hội xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc: “Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc
thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”33.
*Để thực hiện đường lối, Đại hội đề ra những biện pháp như sau:
- Sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân làm nhiệm lịch sử của chuyên chính vô sản. Sau cách mạng tháng Tám chúng ta giành được chính quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo, vì vậy Đại hội III quyết định sử dụng chính quyền của cách mạng dân tộc dân chủ để làm nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
- Để khắc phục tình trạng lạc hậu, đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, Đại hôi III chủ trương phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, coi công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
- Tiếp tục cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, kết hợp cải tạo với xây dựng nhưng lấy xây dựng làm trọng tâm.
- Phát triển kinh tế gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu cách mạng trong điều kiện đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
- Đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá nhằm thay đổi căn bản đời sống tư tưởng, tinh thần và văn hoá của toàn xã hội cho phù hợp với chế độ mới xã hội chủ nghĩa .
*Đường lối xây dựng kinh tế:
- Xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa công nghiệp nặng, nông nghiệp và công nghiệp nhẹ trong quá trình công nghiệp hóa, bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.
*Đại hội thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) với mục tiêu:
+ Thực hiện một bước công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
+ Hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, xây dựng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể.
+ Làm cho nền kinh tế miền Bắc nước ta trở thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa
Sau Đại hội III của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương tổ chức các hội nghị chuyên đề cụ thể hóa đường lối phát triển kinh tế trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất như: về xây dựng Đảng (4-1961), vế phát triển nông nghiệp (7-1961), về phát triển công nghiệp (6-1962), về công tác thương nghiệp và giá cả (12-1964)… Qua các Hội nghị trên, Đảng đã nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa ba mặt của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá; cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác như: tích lũy vốn ban đầu, mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng, giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ…
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch 5 năm, tháng 4-1963 Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Tháng 7-1963 Bộ Chính trị mở cuộc vận động: Ba xây, ba chống : 3 xây : thứ nhất, đề cao tinh thần trách
nhiệm; thứ hai, tăng cường công tác quản lý kinh tế tài chính; thứ ba, cải tiến kỹ thuật; 3 chống : thứ nhất, chống tham ô; thứ hai, chống lãng phí; thứ ba, chống quan liêu và cuộc vận động xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi.
Thực hiện các cuộc vận động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhiều điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực như: Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) trong lĩnh vực công nghiệp; Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình) trong lĩnh vực nông nghiệp; Phong trào thi đua 3 nhất (trong quân đội) thành tích cao nhất, đều nhất, giỏi nhất; Phong trào hai tốt trong giáo dục đi đầu là trường phổ thông cấp 2 Bắc Lý ở tỉnh Hà Nam.
Đến tháng 8-1964, do đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại, miền Bắc buộc phải chuyển hướng sang xây dựng kinh tế thời chiến, nhưng những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã căn bản hoàn thành.
Một trong những thành tích được đánh giá cao lúc này là đã thực hiện nhiệm vụ đề ra – phát triển đi đôi với tiếp tục hoàn chỉnh cải tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Về cải tạo trong nông nghiệp, do nhận thấy tính chất không vững chắc của kinh tế tập thể sau khi được xác lập, Đảng chủ trương tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật trên mô hình đã được thiết kế và chỉ đạo thực hiện ban đầu. Kết quả, đã đưa 76,7% các hợp tác xã lên bậc cao và hợp nhất các hợp tác xã nhỏ lại thành các hợp tác xã quy mô lớn. Về phát triển sản xuất, đã có sự chuyển biến trên một số mặt: tổng thu bình quân trên một hécta đất canh tác tăng 43,7%; cuối năm 1965, có 162 xã với gần 700 hợp tác xã đạt và vượt năng suất 5 tấn thóc/hécta/năm; lương thực bình quân đầu người đạt 15kg/tháng; đời sống xã viên được cải thiện, thu nhập của người lao động từ kinh tế tập thể tăng khá, thu nhập bình quân của nông dân tăng 24%.
Công nghiệp cũng đạt được những thành tích đáng kể, đặc biệt, công nghiệp quốc doanh phát triển với nhịp độ nhanh, trở thành lực lượng mạnh mẽ và phát huy được vai trò lãnh đạo kinh tế quốc dân phát triển có kế hoạch. Đầu năm 1965, có 1045 xí nghiệp, trong đó có 250 xí nghiệp lớn do Trung ương quản lý… Ngành công nghiệp nhẹ cũng phát triển khá nhanh, mạng lưới công nghiệp địa phương phát triển khá. Từ chỗ hầu hết hàng tiêu dùng phải nhập khẩu, đến năm 1965, nền công nghiệp miền Bắc đã đảm bảo đáp ứng được tới 90% các mặt hàng tiêu dùng và một phần tư liệu sản xuất.
Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển công nghiệp, quan niệm về công nghiệp hóa còn giản đơn, giáo điều, quá nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đầu tư vốn có phần thiên lệch về xây dựng cơ bản, chưa chú ý đầu tư đúng mức cho phát triển nông nghiệp… Cơ chế quản lý kinh tế - xã hội nói chung và nhất là kinh tế được thiết lập theo chế độ kế hoạch hoá tập trung, mệnh lệnh và bao cấp đã bộc lộ những yếu kém, gây trở ngại cho phát triển sản xuất…
Sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục, y tế trong thời kỳ này đạt được nhiều thành tích. Trình độ văn hoá, khoa học – kỹ thuật của cán bộ và nhân dân được tăng lên rõ rệt: năm 1965, số học sinh phổ thông tăng 3,5 lần, số học sinh trung học, đại học tăng 25 lần, số y sĩ, bác sĩ và dược sĩ tăng 5 lần so với năm 1960; 70% số huyện có bệnh viện, 78% số xã miền núi có trạm y tế.
Tóm lại, với khí thế cách mạng tiến công chống nghèo nàn lạc hậu, với tinh
thần lao động hăng say và sáng tạo, nhân dân miền Bắc đã tạo nên những biến đổi lớn về kinh tế - xã hội, củng cố miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng vững chắc cho cách mạng cả nước với chế độ chính trị ưu việt. Đánh giá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong 10 năm (1954-1964), tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3-1964). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc, đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”. Tháng 12-1965, Trung ương Đảng nhận định: “Trải qua hơn 10 năm thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đã trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam trong cả nước, với chế độ chính trị ưu việt, với lực lượng kinh tế và quốc phòng lớn mạnh”.