và văn hào Sugawara no Michizane) trên Tsutsujigaoka (Đồi hoa đỗ quyên).
Không những hướng dẫn đi thăm những nơi danh thắng, Kaemon còn tặng ta mấy bức tranh họa đồ vùng Matsushima và Shiogama. Thêm vào đó là hai đôi dép quai bằng vải màu xanh lam như quà tiễn chân64.
Đúng như ta nghĩ, cái con người ương ngạnh phóng cuồng này, qua những món quà tiễn biệt vô cùng thanh lịch làm động tâm can, ta đã cho thấy cái sâu sắc của tâm hồn ông.
あやめ草足に結ばん草鞋の緒
Ayamegusa, Ashi ni musuban Waraji no o
Quai dép tơ màu xanh Trừ tà như xương bồ Xin sẽ buộc thật kỹ.
Dựa theo mấy bức tranh họa đồ Kaemon biếu, chúng tôi lần bước tiến tới thì gặp được con đường mang tên Oku no hosomichi (đoạn đường nhỏ chạy từ khu Iwakiri của Sendai, ven theo sông Nanakitagawa đến thành Taga)65. Dưới chân những ngọn núi chúng tôi men theo, thấy mọc rất nhiều cỏ lát mà người ta dùng để đan loại chiếu nổi tiếng gọi là Tofu no sugagomo từng xuất hiện trong những bài thơ xưa.
Gọi là chiếu lát Tofu (Thập phù) vì nó đan rất dày (tofu = mười lớp). Vùng chung quanh đây là nơi sản xuất có tiếng. Hàng năm người ta hãy còn đan chiếu ấy để dâng lên lãnh chúa.
Lời Bình:
Thầy trò Bashô vào thị trấn Sendai đúng dịp Tết Đoan Ngọ. May mắn thay, họ gặp được con người quái dị Kaemon. Là nhà nghiên cứu lâu năm các địa danh và thắng cảnh, ông đã ân cần đưa hai thầy trò đi xem những “gối thơ” trong vùng như Tamada, Yokono, Miyagino, Kinoshita, Tofu.... Ông còn tặng cho hai người bao nhiêu quà cáp. Bảo Kaemon là “phóng cuồng”, Bashô chỉ muốn tỏ lòng kính trọng ông và không có một lời khen nào có thể đẹp hơn.
Hai đôi dép Kaemon ưu ái tặng thầy trò Bashô có kết tơ xanh như giây xương bồ. Người ta tin xương bồ có công dụng trừ tà. Dép ấy sẽ giúp họ “chân cứng đá mềm”. Đây là bài thơ tỏ lòng cảm tạ và chào từ biệt mà Bashô muốn gửi đến Kaemon.