Trằn trọc nằm đến sáng, Nghe gió mùa thu dậy, Thổi hoài núi sau lưng.
Nỗi buồn chợt dậy lên trong lòng, chỉ có một đêm vắng Sora mà ta tưởng như đã xa cách anh vạn dặm149. Cả ta lẫn Sora đều cùng nghe một tiếng gió thu khi qua đêm trong hậu liêu dành do những nhà sư hành cước. Khi trời về sáng, ta nghe âm hưởng tiếng tụng kinh trong trẻo vọng tới rồi sau đó là tiếng khánh gỗ báo hiệu giờ ăn, bèn cùng các nhà sư đi xuống nhà trai.
Hôm nay định rời vùng Kaga (tỉnh Ishikawa) để đi vào xứ Echizen (tỉnh Fukui), giữa khi lòng dạ còn đang bồn chồn lo âu thì khi ta bước xuống điện bỗng thấy mấy nhà sư trẻ cắp nghiên và giấy đuổi theo mãi tận chân thang. Nhân lúc đó, ta thấy cảnh cây liễu rụng lá ngoài sân nên tức hứng vịnh ngay một câu:.
庭掃きて出でばや寺に散る柳
Niwa hakite Ideba ya tera ni Chiru yanagi
Ra đi, muốn quét sân、
Ơn chùa đêm ngủ trọ、
Liễu úa rơi đầy ngõ.
Vẫn mang trên chân đôi dép cỏ, ta hí hoáy viết xong rồi cất bước, bỏ cảnh chùa lại sau lưng.
Lời Bình:
Đoạn này tả nỗi buồn của Bashô sau khi chia tay với Sora. Sáng hôm từ giã chùa để lên đường, ông không khỏi lo lắng bồn chồn vì thiếu người thân tín đã đỡ đần cho mình bao công việc. Hình ảnh có phần chậm chạp của ông tương phản với hình ảnh nhanh nhẹn của các nhà sư trẻ đã đem đến cho đoạn văn một thi vị đặc biệt
Trong bài thơ Sora có chữ “ura no yama” (núi sau lưng) ám chỉ Bashô, người đi sau ông một ngày đường. Sora nghĩ đến nỗi buồn và lo lắng của thầy (như làn gió thu) nên không ngủ được. Trong bài thơ Bashô, việc quét lá liễu rụng (chiru yanagi) ngầm ý ông là nhà sư nghèo chỉ mong được làm công quả trả ơn nhà chùa đã cho ăn cho ngủ một đêm.
Kigo của hai bài thơ là akikaze (gió thu) và chiru yanagi (liễu rụng lá) đều chỉ mùa thu. 149 Thơ Lý Lăng: Phù vân nhật thiên lý.An tri ngã tâm bi (Mông Cầu).