Người chăn tằm hôm nay, Dáng thấy vẫn đơn sơ, Tựa người muôn năm cũ.
Lời Bình:
Qua khỏi cơn khiếp sợ trên con đường hiểm nghèo, nay thầy trò được hưởng cái ung dung thong thả mà người chủ nhà tốt bụng dành cho. Thêm một bằng chứng của sự chuyển tiếp dứt khoát giữa hai cảnh ngộ đối nghịch, thủ pháp của haikai.
Ở Obanezawa (nay đọc là Obanazawa), Bashô được người bạn thân Seifuu 清風(Thanh Phong), một nhà thơ phái Danrin, ân cần đón tiếp. Ông đã ngừng ở đấy khoảng 10 hôm cho sạch cát bụi đường trường và cũng để tham dự vào một hội thơ do chủ nhân tổ chức.
Nemaru trong bài thơ đầu là từ ngữ địa phương để chỉ việc ngồi xuống thong thả thoải mái (raku ni suwaru). Bài thứ ba nói về hoa beni để nhuộm màu hồng hoàng trên vải, trên lụa, là lời chào gửi đến Seifuu, người làm nghề buôn sản phẩm này. Bài thứ hai (của Bashô) và bài thứ tư (của Sora) muốn ca tụng công nghệ nuôi tằm của địa phương. Truyền thống nuôi tằm dệt lụa ở Nhật vốn có lâu đời, từng được nói đến trong cuốn cổ sử Nihon Shoki. Nuôi tằm dệt lụa thường đi đôi với nghề nhuộm. Nhật Bản có bước nhảy vọt về kinh tế thời Meiji cũng là nhờ nghề nuôi tằm và dệt.
Kigo của 4 bài là suzushi (hơi mát), hiki (cóc), benihana (hoa thuốc nhuộm màu hồng hoàng) và kogai (chăn tằm) đều chỉ mùa hạ. Không khí bài thứ 3 gợi nhớ cảnh nông tang mộc mạc từng thấy trong thơ Vạn Diệp đời xưa, gợi được niềm hoài cổ. Hiki là gọi tắt hikigaeru 蟇蛙 (cóc, toad). Tác giả tưởng tượng như một con cóc ấy vẫn nấp dưới sàn làm bạn với người chăn tằm tự bao đời.