ngựa chung nhà.
Nhìn con đường dài dằng dặc đưa lên miền bắc về hướng Nanbu, chúng tôi bèn đổi hướng về phía Tây Nam và đêm đó ngủ lại Iwate no Sato (Iwatayama thuộc thị trấn Ôsaki tỉnh Miyagi).Từ nơi đó, sau khi qua những địa điểm như Ogurozaki, Mizu no Kojima, chúng tôi đến được suối nước nóng Narugo.
Từ suối nước nóng Narugo, qua trạm gác Shitomae rồi, chúng tôi định vượt núi để vào đất Dewa (tỉnh Yamagata và Akita).
Con đường vượt núi này hầu như chẳng có bộ hành nào đi cho nên người gác cửa quan dọ hỏi rất kỹ phòng kẻ gian, mãi mới cho phép chúng tôi đi tiếp.
Trên đường, khi đang lên một ngọn núi lớn thì mặt trời sắp lặn, chúng tôi tìm được nhà ông thôn trưởng có nhiệm vụ canh phòng biên giới hai vùng và xin ngủ đỡ một đêm. Thế nhưng vì mưa to gió lớn vẫn kéo dài, chúng tôi đành bó gối chèo queo trong núi này suốt ba hôm.
のみ虱馬の尿する枕もと
Nomi shirami Uma no bari suru Makura moto Chấy rận có đủ cả, Thêm ngựa đái xè xè, Trên đầu nằm lữ khách.
Chúng tôi định vượt núi để vào đất Dewa
Lời Bình:
Rời khu vực Hiraizumi, thầy trò Bashô hướng vế phía Nam để vào tiến vào đất Dewa. Hết nhỏ lệ cho tấn bi kịch của những chiến sĩ thời xưa, nay phải nếm trải gian lao đường đất. Trong ngôi nhà lạnh lẽo giữa núi non, họ bị vây bọc bởi chấy rận và mưa to gió lớn. Nói được sự chuyển tiếp đột ngột giữa hai hoàn cảnh tương phản này là cái xảo diệu của nghệ thuật haikai vậy!
Truyền thuyết cho rằng vợ cả Yoshitsune đã sinh con ngay trạm gác Shitomae và đứa hài nhi đã đái ở đó cho nên trạm mới có cái hỗn danh như thế (shito = niệu 尿= nước đái).
Nơi thầy trò Bashô ngủ trọ là một gia đình nhà nông. Nông dân thường nuôi súc vật ngay cả trong gian chính. Như thế, người và ngựa sống chung (có khi là để chia sẻ hơi ấm vào mùa đông ở một vùng lạnh lẽo như miền Đông Bắc này). Nếu Bashô có nghe tiếng ngựa đái trong đêm thì cũng là chuyện bình thường. Để ý là nước đái trẻ con gọi là “shito”, nước đái ngựa gọi là “bari”. Bản thủ bút của Bashô viết là “bari suru” (ngựa đái), một động từ, nên xin dể nguyên văn như thế.
Chuyện “ngựa đái” (shito, bari suru) ở đây cũng có hiệu quả hô ứng với Shitomae (Niệu Tiền), tên trạm gác nơi thầy trò đi qua.
Kigo của bài thơ là nomi (con rận) chỉ mùa hè.
Ogurozaki nói đến trong đoạn văn được biết như là một mũi đá nổi tiếng vì ở đó, mùa thu lá đỏ rất đẹp. Mizu no Kojima là một hòn đảo như hạt đậu (mizu = mỹ đậu) nằm giữa dòng sông. Về chúng, có bài thơ sau đây trong phần Azumauta (Đông ca) dân dã của Kokin Wakashuu (Cổ kim Hòa ca tập):
小黒崎美豆の小島の人ならば都のつといざと言わましを
Ogurosaki
Mizu no Kojima no Hito naraba
Miyako no tsuto ni Iza to iwamashi wo Hỡi ghềnh Oguro Đảo Mizu xinh đẹp, Nếu hai ngươi biết đi, Ta muốn đưa tất cả, Về biếu khách kinh đô.