Theo lời ông chủ nhà trọ thì từ nơi đây để vào đất Dewa giữa đường phải vượt một ngọn núi mà lối đi không được vạch rõ ràng, tốt hơn phải có người hướng đạo theo cùng. Ta bèn nhờ người giúp cho thì được một thanh niên lực lưỡng, hông đeo cây đao to bản, tay nắm gậy gỗ sồi, tiến trước chúng tôi để dẫn đường. Đi sau lưng anh mà lòng bọn ta cứ nơm nớp không biết hôm nay có sự nguy hiểm nào xảy ra chăng.
Đúng như lời ông chủ trọ, ở đây núi thì cao và cây mọc rất dày, không lấy một tiếng chim kêu. Dưới thân cây, cành lá lại mọc đan vào nhau chằng chịt, chúng tôi đi như giữa đêm đen. Trời đất tối tăm giống như cảnh tượng Đỗ Phủ đã nói đến trong câu thơ: “Vân đoan sa hỗn phong xuy há”103 (Bên trời, gió thổi cát bay xuống). Bao lần đạp lá tre lùn vẹt lối tiến lên, băng qua những dòng suối, vấp phải đá, toát cả mồ hôi lạnh, không biết làm thế nào mà cuối cùng chúng tôi cũng ra được địa phận Mogami (tức vùng Obanazawa tỉnh Yamagata)
Người thanh niên hướng đạo bảo: “Đoạn đường này lúc nào cũng xảy ra chuyện rắc rối104, hôm nay đưa các thầy tới đây bình yên vô sự, em thực là mừng!” Nói xong anh vui vẻ quay về. Đã qua hết đoạn đường núi mà còn nghe nói như vậy, trống ngực chúng tôi đập thình thình không thôi.
Lời Bình:
Cái chờ đón Bashô ở đây là ngọn đèo (tôge) hiểm trở, đúng như cái tên của nó: Natagiri (Sơn Đao Phạt) nghĩa là vẹt lối trên núi bằng dao đi rừng. Nhờ có người hướng đạo giỏi giang mà hai thấy trò đi qua bình yên nhưng qua rồi hãy còn toát mồ hôi lạnh.