đây là loại hình quảng cáo sử dụng bưu điện để truyền thông điệp đến khách hàng mục tiêu. Hình thức có thể là gửi thư (DM- Direct Main) hoặc các ấn phẩm (áp phích, tờ rơi, giấy mời, bảng báo giá...). Mặc dù qua trung gian là bưu điện nhưng tính chất trực tiếp ở đây có nghĩa là nhà quảng cáo hoàn toàn kiểm soát được nội dung và cách thể hiện của thông điệp.
a, Ưu điểm:
- Chọn lọc đối tượng cao: Trong tất cả các phương tiện quảng cáo thì quảng cáo qua thư trực tiếp là có khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu chính xác nhất. Các khách hàng nhận thông điệp quảng cáo là theo danh sách chính xác về thông tin cá nhân. Từ đó có thể xác định cụ thể về đặc trưng của khách hàng mục tiêu mà thông điệp cần hướng tới. Vấn đề mấu chốt trong loại hình quảng cáo này là phải có danh sách khách hàng có chất lượng cao và cách thức thể hiện thông điệp hiệu quả nhất.
- Tạo dựng quan hệ và tình cảm: Gửi thư trực tiếp thể hiện sự quan tâm và tình cảm của công ty với khách hàng mục tiêu. Quan hệ giao tiếp này mang tính cá nhân trực tiếp nên tạo được hiệu quả cao bởi cảm giác gần gũi thân thiện, không cần phô trương và giữ được bí mật.
- Đúng lúc và linh hoạt: Lịch trình của quảng cáo qua thư trực tiếp rất linh hoạt bởi vì các nhà quản trị quảng cáo hoàn toàn có thể kiểm soát và điều hành. Người quảng cáo có thể tin tưởng rằng thông điệp quảng cáo của mình se đến với khách hàng đúng lúc cần thiết. Quảng cáo bằng thư trực tiếp không bị giới hạn bởi phạm vi không gian và thời gian, không bị hạn chế bởi phạm vi đăng tải. Mặt khác, nhà quảng cáo có khả năng thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt của mình khi thực hiện phương thức quảng cáo này.
b, Nhược điểm:
- Chi phí cao: Chi phí phần ngàn của quảng cáo qua gửi thư trực tiếp cao hơn nhiều so với các phương tiện quảng cáo khác như truyền hình, truyền thanh, báo chí... Chi phí phần ngàn cao là do thông điệp quảng cáo gửi đến tận tay từng khách hàng nên qui mô tiếp cận đối tượng hẹp, trong khi đó thì chi phí chuẩn bị, thực hiện và phát chuyển thư cao.
- Khả năng chấp nhận thư của đối tượng thấp: Thái độ của công chúng với các loại thư quảng cáo thường là thiếu tích cực. Họ xem đó như các loại “thư rác“, “thư tạp nham“ nên thiếu sự quan tâm, thậm chí thờ ơ đến mức không mở ra xem. Điều này đòi hoi các đơn vị quảng cáo phải chú ý tới các giải pháp nhằm làm tăng sự chú ý và hấp dẫn của khách hàng với loại hình quảng cáo này.
Mặt khác, chính bởi sự tập trung, chọn lọc đối tượng gửi thư nên dễ gây cho khách hàng cảm thấy có sự phân biệt trong đối xử. Nên khi sử dụng ngôn từ viết quảng cáo cần phải chú ý và thận trọng.