Những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện chính sách đào tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trực ninh, tỉnh nam định (Trang 32 - 37)

Phần 1 Mở đầu

2.1. Cơ sở lý luận về thực thi chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn

2.1.5. Những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện chính sách đào tạo

nghề cho lao động nông thôn

2.1.5.1. Các chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho người lao động có chi phí đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, vì thế muốn đào tạo nghề phát triển thì Nhà nước phải có các chính sách đầu tư; đồng thời phải ban hành hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích đào tạo nghề phát triển.

Luật dạy nghề ra đời năm 2006, là một bước ngoặt trong phát triển công tác đào tạo nghề ở nước ta. Từ đó, các chính sách có liên quan đến đào tạo nghề cho người lao động được ban hành phù hợp với thực tế của đất nước. Các chính sách được ban hành có sự kế thừa những chính sách trước kia nên phù hợp với yêu cầu của xã hội. Một số chính sách được ban hành trong thời gian gần đây như: Dự án 7 tăng cường năng lực dạy nghề; Đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính Phủ đến năm 2020; Chính sách đối với người học nghề; Chính sách đối với trường nghề và trung tâm dạy nghề; Chính sách đối với giáo viên, giảng viên tham gia đào tạo nghề và cán bộ quản lý dạy nghề; Chính sách đối với DN tham gia đào tạo nghề, nhận lao động qua sau khi được đào tạo nghề.

Hiện nay, Nhà nước quản lý dạy nghề thông qua hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật như: quy định về thành lập, đăng ký hoạt động dạy nghề, quy chế hoạt động của trường dạy nghề; chương trình khung; mã nghề; quy định liên thông các trình độ tay nghề; kiểm định chất lượng đào tạo nghề. Đó là những chính sách quan trọng giúp phát triển đào tạo nghề tại Việt Nam.

2.1.5.2. Năng lực và trình độ của cán bộ địa phương

Quá trình triển khai thực hiện đề án, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một điều không phải dễ dàng, cần phải có đội ngũ lãnh đạo có năng lực chuyên môn. Đây là một đề án lớn, trước khi ban hành cần phải xây dựng được kế hoạch cũng như các cách thức thực hiện làm sao cho hiệu quả, điều đó đòi hỏi phải có những người am hiểu về chính sách đào tạo nghề, những vấn đề liên quan đến lao động và việc làm.

Để có thể thực hiện tốt đề án này, người cán bộ cần phải nắm được chính sách, biết phân tích cũng như nhìn nhận một cách sâu sắc theo nhiều khía cạnh, nhiều chiều thì mới có thể xem nó có phù hợp với địa phương mình hay không, từ đó cần phải chỉnh sửa hay bổ sung, thêm bớt những gì. Vì vậy yêu cầu người cán bộ cần phải có năng lực, chuyên môn và nghiệp vụ thì mới có thể triển khai thực hiện tốt đề án này.

Thực tế khi ban hành một chính sách triển khai xuống các địa phương, mỗi nơi sẽ có những cách thức tuyên truyền, hay cách làm riêng tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi vùng. Một chính sách có hiệu quả hay không còn thể hiện được năng lực của cán bộ của địa phương nơi đó, là người có thể làm cho dân tin, dân yêu quý, thì điều đó không không phải là dễ dàng.

Quá trình triển khai đề án đào tạo nghề thì công tác tuyên truyền của chính quyền là vô cùng quan trọng, chúng ta thấy rằng hầu hết các địa phương nếu như khâu này chưa tốt thì việc thực hiện sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Từ đó nhận thấy rằng, năng lực của cán bộ địa phương là yếu tố then chốt trong quá trình triển khai bất cứ một đề án hay chính sách gì.

2.1.5.3. Trình độ nhận thức của người lao động nông thôn và xã hội về học nghề

Lao động tham gia học nghề là nhân tố trung tâm, có tính chất quyết định đối với công tác đào tạo nghề, nó ảnh hưởng rất lớn tới công tác đào tạo. Trình độ văn hóa, sự hiểu biết, tâm lý, cá tính, khả năng tài chính, quỹ thời gian, cùng với nhận thức và thái độ học nghề của những học viên đều có ảnh

hưởng sâu sắc tới chất lượng đào tạo và hiệu quả đến thu nhập của chính bản thân người học nghề.

Nhận thức của xã hội về đào tạo nghề tác động mạnh đến công tác đào tạo nghề, ảnh hưởng rõ rệt nhất của nó là tới lượng học viên đầu vào cho các cơ sở dạy nghề. Thực tế công tác đào tạo nghề hiện nay chưa được xã hội nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Thứ nhất, vì những hạn chế, những rào cản của đào tạo nghề. Thứ

hai, do tâm lý ưa chuộng khoa bảng, bằng cấp của gia đình, người học nghề và xã

hội. Không ít các gia đình coi việc vào đại học như là con đường duy nhất để tiến thân, kiếm được việc nhàn hạ.

Nếu mọi người lao động trong xã hội đánh giá được đúng đắn hơn tầm quan trọng của việc học nghề thì lượng lao động tham gia học nghề sẽ chiếm một tỷ lệ lớn hơn so với toàn bộ số lao động trên thị trường và sẽ có cơ cấu trẻ hơn, đa dạng hơn. Hơn nữa, nếu người lao động nhận thức được rằng giỏi nghề là một phẩm chất quý giá của mình, là cơ sở vững chắc để có việc làm và thu nhập ổn định thì công tác đào tạo nghề sẽ nhận được thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ cần thiết từ xã hội.

2.1.5.4. Đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề

Chúng ta biết rằng giáo viên ĐTN là những người giữ trọng trách truyền đạt kiến thức kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm của mình cho các học viên trên cơ sở thiết bị đào tạo. Vì vậy, năng lực giáo viên đào tạo nghề tác động trực tiếp lên chất lượng công tác đào tạo nghề. Đào tạo nghề có những nét khác biệt so với các cấp học khác trong nền giáo dục quốc dân, đó là ngành nghề đào tạo rất đa dạng, học viên vào học nghề có rất nhiều cấp trình độ văn hoá khác nhau. Cấp trình độ đào tạo nghề ở các cơ sở đào tạo nghề cũng rất khác nhau (bán lành nghề, lành nghề, bồi dưỡng nâng bậc thợ). Sự khác biệt đó làm cho đội ngũ giáo viên đào tạo nghề cũng rất đa dạng với nhiều cấp trình độ khác nhau. Năng lực của giáo viên đào tạo nghề tốt thì mới có thể đào tạo được các học viên được tốt bởi vì các học viên nắm được lý thuyết, bài giảng được học viên tiếp thu nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào năng lực giáo viên.

Hiện nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ tiến bộ rất nhanh, một phần không nhỏ đội ngũ giáo viên đào tạo nghề chưa tiếp cận khoa học công nghệ nên không theo kịp yêu cầu phát triển. Một số máy móc thiết bị tiên tiến được trang bị, một số giáo viên cũng chưa sử dụng thành thạo nên hạn chế đến việc truyền thụ kiến thức cho người học, từ đó dẫn đến chất lượng đào

tạo nghề chưa cao. Đòi hỏi người giáo viên cần phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cùng với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật.

2.1.5.5. Cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề

Trong công tác đào tạo nghề cho lao động, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề là những yếu tố cần thiết và tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo nghề. Thực tế, ứng với mỗi ngành nghề thì có những trang thiết bị, máy móc kỹ thuật khác nhau, đòi hỏi người đào tạo cần phải nắm bắt kịp thời theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Hiện nay nước ta cơ sở vật chất và phương tiện máy móc còn lạc hậu và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chính vì vậy mà nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa về đào tạo nghề cho lao động. Thông qua đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 đã chỉ rõ kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo nghề cho lao động trong thời gian triển khai đề án, để từ đó việc đào tạo nghề cho lao động có hiệu quả hơn.

2.1.5.6. Chương trình, giáo trình liên quan đến đào tạo nghề

Chúng ta nhận thấy rằng quá trình đào tạo nghề là một trong những nội dung có tính chiến lược để thực hiện các mục tiêu của quốc gia, đặc biệt là nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động. Việc xây dựng đề án, chính sách cần có những chương trình riêng để thực hiện triển khai đào tạo nghề một cách có hiệu quả. Theo Wentling (1993) thì “Chương trình đào tạo là một bảng thiết kế tổng thể cho một hoạt động đào tạo, đó có thể là một khóa học kéo dài vài giờ, một ngày, một tuần, hoặc một vài năm. Bảng thiết kế tổng thể đó cho biết toàn bộ nội dung cần đào tạo, chỉ rõ những gì có thể trông đợi ở người học sau khóa học, nó phác họa ra quy trình cần thiết để thực hiện nội dung đào tạo, nó cũng cho biết các phương pháp đào tạo các cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và tất cả những cái đó được sắp xếp theo một thời gian biểu chặt chẽ”.

Thực tế trong quá trình đào tạo nếu không có chương trình dạy học thì chất lượng dạy học nghề sẽ thấp, chính vì vậy việc xây dựng giáo trình dạy nghề là một trong những kim chỉ nam để tiến hành đào tạo nghề cho người lao động. Việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cần phải gắn với thực tế, cập nhật thường xuyên để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế của người học và xã hội. Trong chương trình đào tạo nghề bao gồm phần lý thuyết và thực hành, trong quá trình viết chương trình đào tạo cần phải căn cứ vào thực tế thì phân bố thời gian học lý

thuyết và thực hành sao cho phù hợp, để có thể đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình truyền đạt kiến thức cho người lao động. Cấu trúc của chương trình đào tạo bao gồm các môn học chung và riêng, việc nghiên cứu xây dựng các chương trình, giáo trình học liệu sao cho hợp lý và sát với thực tế và nhu cầu của các doanh nghiệp, đó là vấn đề quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề.

2.1.5.7. Nguồn tài chính đầu tư cho công tác đào tạo nghề

Để có thể triển khai công tác đào tạo nghề một cách hiệu quả thì một trong những yếu tố không kém phần quan trọng đó là nguồn tài chính, bất cứ khi triển khai một hoạt động nào mà không có nguồn kinh phí thì không thể triển khai được, nó có tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ sở đào tạo nghề. Trong quá trình thực hiện thì cần phải chi cho các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị, chi phí công tác quản lý, tiền lương và các hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ cho người học, công tác phát triển đội ngũ giáo viên, phục vụ cho quá trình dạy nghề. Khi nguồn kinh phí hạn hẹp thì việc triển khai và phát triển dạy nghề cũng gặp nhiều khó khăn.

Đối với nước ta là một nước đang còn nghèo chính vì vậy mà ngân sách hàng năm nhà nước rót xuống các địa phương không đủ để phục vụ cho công tác này. Đòi hỏi các nhà quản lý cần phải có sự tính toán chi tiêu sao cho phù hợp và hiệu quả tiết kiệm nhất. Một Đề án, chính sách đào tạo nghề có thể thực hiện được hay không đòi hỏi cần phải có một nguồn kinh phí nhất định, có thể là Nhà nước và sự đóng góp của người dân và chính quyền địa phương, chính vì thế mà chúng ta thấy rằng tài chính là yếu tố làm thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện và triển khai chính sách sao cho đúng tiến độ và hiệu quả hơn.

2.1.5.8. Sự liên kết của người dân tới tình hình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động

Sự liên kết giữa các bên tham gia đào tạo nghề là một yếu tố vô cùng quan trọng để thực hiện tốt chính sách. Thực tế trong quá trình phân cấp tổ chức thực hiện chính sách có sự tham gia của nhiều tổ chức, các cấp chính quyền từ khâu ban hành, đến triển khai thực hiện cần thông qua rất nhiều các văn bản, quyết định và nghị định. Việc chỉ đạo có sự thống nhất từ trên xuống dưới là một trong những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo nghề. Bên cạnh đó Nhà nước cần phải có sự quan tâm đối với các doanh nghiệp,

đặc biệt là những doanh nghiệp có thể tạo được nhiều việc làm cho người lao động nông thôn. Chính vì thế cần phải có sự liên kết giữa Nhà nước, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nghề và trực tiếp tuyển dụng những lao động mà họ đã đào tạo nhằm đáp ứng được yêu cầu công việc và đồng thời chia sẻ gánh nặng với nhà nước cũng như thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trực ninh, tỉnh nam định (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)