Phần 1 Mở đầu
2.3. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Nghiên cứu “Đánh giá công tác dạy nghề cho nông dân theo chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” (Nguyễn Trọng Phương, 2011). Đề tài này đã tập trung vào những đối tượng chính là các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề và những lao động đã và đang theo học nghề nông nghiệp trên địa bàn. Qua phân tích và đánh giá tác giả cho thấy: công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân trong thời gian vừa qua vẫn đang còn gặp nghiều khó khăn và bất cập; chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kiến thức kỹ năng sản xuất chủ yếu thông qua kinh nghiệm là chính, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, giá trị sản phẩm tạo ra không tương xứng với thời gian lao động. Từ đó, tác giả đưa một số nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn như: Giải pháp về hỗ trợ, trợ cấp đào tạo nghề nông nghiệp cho người nông dân; Tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo nghề; Tăng cường đầu tư nguồn lực cho đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ giảng dạy; Phát triển, đổi mới nội dung và hình thức đào tạo nghề cho nông nghiệp cho nông dân…
Nghiên cứu “Đánh giá tình hình thực hiện đào tạo nghề theo Đề án 08 ở Ninh Bình” của Thạc sỹ Đinh Thị Như Quỳnh (2011). Đề tài tập trung nghiên cứu vào các trường, trung tâm dạy nghề và tạo việc làm; những học viên đã, đang học nghề; các cơ sở sử dụng lao động và một số chính sách của Đảng và Nhà nước. Tác giả đã chỉ ra những mặt được và hạn chế trong quá trình triển khai Đề án 08 ở trên địa bàn. Qua đó, để triển khai Đề án đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, tác
giả đã đưa ra 3 nhóm giải pháp có tính khả thi như: (1) Giải pháp về cơ chế khuyến khích phát triển dạy nghề; (2) Giải pháp về thực hiện đào tạo nghề theo Đề án 08; (3) Giải pháp đối với chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo và người lao động.
Một nghiên cứu khác có liên quan do Tiến sỹ Hoàng Vũ Quang làm chủ nhiệm:“Đánh giá tác động của các chính sách xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” (Hoàng Vũ Quang, 2012). Công trình này đề cập tới việc đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của các chính sách lựa chọn đối tượng tham gia học nghề, hỗ trợ kinh phí cho người tham gia đào tạo...Qua đó đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt Đề án này trong thời gian tới trên cả nước.
Nhìn chung, các nghiên cứu này đều đưa ra được những yếu tố ảnh hưởng tới đào tạo nghề, thông qua đó đưa ra được những giải pháp và kiến nghị để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Dù có tiếp cận ở các khía cạnh nào, hay góc độ nào thì các nghiên cứu vẫn chưa đi sâu vào phân tích, đánh giá tình hình thực hiện chính sách ĐTN cho LĐNT. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình CNH- HĐH, tình hình triển khai thực hiện đang còn nhiều bất cập, nhiều yếu tố như trình độ cán bộ, giảng viên, giáo trình và học liệu, nguồn tài chính, cơ sở vật chất dạy nghề chưa hoàn thiện và đồng bộ. Chính vì vậy, đây là yếu tố làm cho chất lượng đào tạo nghề ở nước ta chưa cao, đời sống người dân vẫn đang còn thấp. Thực tế đặt ra cho các nhà làm chính sách cần phải có những ý tưởng và cách làm hay để có thể thay đổi được đời sống của đại bộ phận lao động trên cả nước.
Ngoài những bài viết trên, còn nhiều tác giả nghiên cứu, trình bày quan điểm về một hoặc một số vấn đề liên quan đến những nội dung nhất định của đề tài. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về tình hình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Trực Ninh – tỉnh Nam Định.