Tăng cường công tác hỗ trợ cho lao động học nghề trên địa bàn Huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trực ninh, tỉnh nam định (Trang 101 - 105)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.3. Giải pháp tăng cường thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động

4.3.7. Tăng cường công tác hỗ trợ cho lao động học nghề trên địa bàn Huyện

4.3.7.1. Hỗ trợ trước khi tham gia đào tạo gồm:

- Hỗ trợ các thông tin

Bao gồm các thông tin liên quan quan đến các chính sách, chế độ khi tham gia học nghề của các đối tượng lao động nông thôn. Qua đó người lao động có thể nắm rõ được chủ trương, đường lối của Đảng, các cơ chế chính sách của Nhà nước cũng như những quyền và lợi ích mà người lao động nông thôn được hưởng khi tham gia học nghề, giúp họ thêm vững tâm khi quyết định bỏ chi phí cơ hội để học nghề.

- Tư vấn về lựa chọn nghề đào tạo

Trên thực tế có rất nhiều nghề đang được sử dụng trong xã hội và cũng có rất nhiều nghề đang được đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin tư vấn cho người lao động trước khi tham gia học nghề là rất quan trọng đảm bảo người lao động được hướng nghiệp một cách chính xác và phù hợp đặc biệt là trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất hiện nay.

- Tư vấn lựa chọn trình độ đào tạo, hình thức đào tạo và cơ sở đào tạo. Do lao động nông thôn có sự phân hóa lớn về độ tuổi, nhận thức, tập quán... nên cần căn cứ vào khả năng tham gia của họ ở từng trình độ đào tạo, hình thức đào tạo để tư vấn cho họ trong quá trình lựa chọn nghề để học. Để thực hiện được việc này, cần giúp họ hiểu đúng về nghề nghiệp cũng như các yêu cầu về trình độ văn hóa, thời gian, tài chính…đối với mỗi loại trình độ nghề hay hình thức đào tạo.

Học nghề chính quy, tập trung trình độ sơ cấp nghề: tập trung trang bị cho người học nghề kỹ năng thực hành một nghề đơn giản hoặc kỹ năng thực hành một số công việc của một nghề cụ thể.

Học nghề thường xuyên và dạy nghề dưới 3 tháng: được thực hiện linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương pháp đào tạo để phù hợp với yêu cầu của người học nghề nhằm tạo điều kiện cho người lao động học suốt đời, nâng cao trình độ kỹ năng nghề thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, tạo cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm. Phương pháp dạy nghề thường xuyên phải phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học và kinh nghiệm của người học nghề.

Chính sách hỗ trợ cho lao động nông thôn trước khi tham gia học nghề sẽ có hiệu quả nếu được triển khai thực hiện một cách chuyên nghiệp bởi các tổ chức thuộc cơ quan tỉnh hoặc phi chính phủ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận dưới hình thức là các Trung tâm tư vấn nghề nghiệp cho lao động nông thôn có mạng lưới hoạt động tới địa bàn cấp huyện, thậm chí là cấp xã. Do đó cần có cả chính sách khuyến khích mạng lưới xã hội dân sự này tham gia tích cực trong quá trình thực hiện nhằm gia tăng hiệu quả của chính sách hỗ trợ.

4.3.7.2. Hỗ trợ trong khi học nghề

Hỗ trợ cho người học trong thời gian học nghề để nhằm chi trả các chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại cơ sở dạy nghề (bao gồm: học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại). Tùy

thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng nhóm đối tượng ở nông thôn để xác định mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ cho phù hợp, có thể dưới các hình thức:

- Hỗ trợ không hoàn lại toàn phần cho người học nghề thuộc các đối tượng: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình là hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật. Mức hỗ trợ một tháng tối đa bằng mức tiền lương tối thiểu (lương cơ bản) hiện hành của tỉnh. Số tiền hỗ trợ tính theo số tháng thực học trong năm.

- Hỗ trợ không hoàn lại một phần cho người học nghề thuộc các đối tượng: Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật; Gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học; Sinh viên học trong các khoa sư phạm nghề có cam kết về giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề thuộc các tỉnh vùng nông thôn 2 tối thiểu là 5 năm; Lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác do đô thị hoá hoặc do xây dựng các công trình công cộng, khu công nghiệp, khu chế xuất và các dự án khác về an ninh quốc phòng vì lợi ích quốc gia có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; Lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật; Lao động thuộc các dân tộc thiểu số; các xó đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ một tháng tối đa bằng 1,5 lần mức tiền lương tối thiểu hiện hành của Nhà nước. Số tiền hỗ trợ tính theo số tháng thực học trong năm.

- Cho vay không lấy lãi với người học nghề thuộc các đối tượng: Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số học nghề nội trú tại các cơ sở dạy nghề. Mức cho vay tối đa một lần được tính bằng 1,5 lần mức tiền lương tối thiểu nhân với số tháng thực học trong năm.

- Cho vay với mức lãi suất thấp cho người học nghề thuộc các đối tượng: Lao động nữ chưa có việc làm; Lao động thuộc các làng nghề nằm trong dự án khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống mà dự án không có khoản kinh phí riêng cho dạy nghề; Lao động thuộc vùng chuyên canh có nhu cầu chuyển đổi nghề; Lao động nông thôn khác có nhu cầu học nghề. Mức cho vay tối đa một lần được tính bằng 2 lần mức tiền lương tối thiểu nhân với số tháng thực học trong năm.

Để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ cho người học nghề theo chính sách đề xuất trên đây thì phải hình thành một Quỹ hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn. Quỹ nên do các địa phương thành lập và quản lý, trực thuộc UBND tỉnh, thành phố hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn thuế. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ gồm: Ngân sách tỉnh cấp ban đầu; cấp bổ sung hàng năm theo kế hoạch được duyệt, cấp bổ sung trong các trường hợp đặc biệt theo Quyết định của chủ tịch tỉnh, các nguồn vốn ngoài ngân sách (các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài, các khoản lãi tiền gửi ngân hàng, lãi cho người học nghề vay). Số dư Quỹ của năm trước được chuyển sang năm sau sử dụng. Phương thức hỗ trợ đề xuất nên chuyển trực tiếp cho các cơ sở đào tạo dựa trên số lượng người qua đào tạo với các định mức theo quy định để đảm bảo dạy được nghề cho lao động. Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm đảm bảo về chất lượng đào tạo để có thể nhận tiền phí đào tạo từ Quỹ này. Người có nhu cầu học nghề tùy theo đối tượng sẽ được Quỹ cấp các thẻ tín dụng với định mức phù hợp, thẻ sẽ không có giá trị chuyển đổi thành tiền mặt mà chỉ có thể sử dụng để thanh toán học phí và các chi phí khác liên quan đến việc học nghề tại các cơ sở dạy nghề đã xác định. Trong trường hợp có các hỗ trợ khác liên quan đến sinh hoạt phí thì người đi học được nhận tiền mặt trực tiếp hàng tháng từ Quỹ này để trang trải.

4.3.7.3. Hỗ trợ sau quá trình đào tạo

Chính sách này chủ yếu sẽ liên quan đến các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm hoặc tạo việc làm cho lao động sau quá trình học nghề. Tuy nhiên, ngoài việc tạo điều kiện hỗ trợ lao động tìm việc làm sau khi học nghề sẽ được nói chi tiết hơn trong phần tiếp theo thì việc hỗ trợ để người lao động sau họ nghề có thể tự tạo được việc làm cũng là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo người lao động sau khi học nghề có thể có tự tìm cơ hội chuyển nghề hoặc tự tạo việc làm mới để gia tăng thu nhập. Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ này cần được xây dựng gắn chặt với các chính sách đầu tư (đất đai, vốn, tín dụng…) như một yếu tố đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của quá trình thực hiện chính sách - người dân học được nghề và có thể thực hành được trong cuộc sống để cải thiện sinh kế, cải thiện thu nhập.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trực ninh, tỉnh nam định (Trang 101 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)