Mong muốn có được không gian tình cảm riêng

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 108 - 110)

- Derek Chapman

2. Mong muốn có được không gian tình cảm riêng

Trẻ vị thành niên luôn muốn có được không gian tình cảm của riêng mình. Trong những năm trước, con bạn có thể kể cho bạn nghe mọi thứ - những việc xảy ra ở trường, giấc mơ đêm qua, những người bạn cùng lớp… Nhưng trong những năm tháng này, có thể trẻ sẽ khiến bạn cảm thấy mình bị “cho ra

rìa”. Khi hỏi về việc học ở trường, có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời:

“Không có gì!” hay “Vẫn thế”. Khi bạn hỏi về một người bạn của con, có thể nó sẽ cho bạn là quá tò mò. Điều này không có nghĩa là trẻ đang che giấu những lỗi lầm mà thường chỉ vì chúng muốn giữ những suy nghĩ và cảm xúc cho riêng mình - một biểu hiện của ý muốn độc lập. Các bậc phụ huynh nên tôn trọng mong muốn này của trẻ. Nói cho cùng, liệu bạn có chia sẻ mọi suy nghĩ và cảm xúc của bạn với con cái không? Tôi cho là không.

Một biểu hiện khác của người trưởng thành là việc chúng ta quyết định chia sẻ với mọi người xung quanh điều gì và khi nào. Trẻ vị thành niên đang trong quá trình trở thành một người trưởng thành nên cũng mong muốn có được “quyền” này. “Mẹ biết rằng có đôi khi con không muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình với mẹ. Mẹ hiểu điều này hoàn toàn bình thường. Nhưng mẹ muốn con biết là nếu con muốn nói chuyện, mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe” là một trong những câu nói mà các bậc phụ huynh cần ghi nhớ khi trò chuyện với đứa con ở tuổi vị thành niên. Với cách nói này, họ cho trẻ thấy mình hiểu được giá trị của việc để chúng có được một không gian tình cảm riêng.

Một cách khác để con bạn bộc lộ nhu cầu có không gian tình cảm riêng là việc trẻ ngừng chấp nhận những biểu hiện của tình yêu thương mà trước đó cháu vẫn đón nhận. Đừng ngạc nhiên khi cô con gái mười lăm tuổi của bạn từ chối lời đề nghị giúp đỡ của bạn. Những năm trước đây, hành động này của bạn được con đón nhận như là một biểu hiện của tình yêu thương. Thế nhưng giờ đây nó lại muốn tự làm và có thể sẽ làm điều đó theo cách khác hoàn toàn trước. Thông thường, điều này không phải là do trẻ không cần sự giúp đỡ của bạn mà là vì trẻ muốn được độc lập. Thay vì làm nghiêm trọng vấn đề, bạn nên lùi lại và nói: “Nếu con cần sự giúp đỡ của mẹ, hãy cho mẹ biết nhé”.

Cô con gái mười ba tuổi có thể né tránh những cái ôm của bạn không phải vì cháu không muốn được bạn âu yếm, mà vì bạn đã làm điều này nhiều lần khi nó còn bé. Con gái bạn đang dần trở thành một người lớn và không muốn được đối xử như một đứa bé con nữa. Trong trường hợp này, bạn nên tìm ra những cách thức mới mà con bạn tán thành để biểu lộ tình cảm âu yếm với con.

Đằng sau tất cả những hành động này là mong muốn có được không gian riêng về mặt tình cảm của trẻ. Trẻ muốn được yêu thương nhưng không muốn được ấp ủ như khi còn là một đứa bé.

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 108 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)