- Derek Chapman
1. Đừng tự trách mình
Trước khi giúp được con trẻ, bạn hãy đối mặt với phản ứng của bản thân mình. Phản ứng đầu tiên của rất nhiều bậc phụ huynh khi con em họ thất bại là tự hỏi: “Mình đã làm sai điều gì?”. Đây là một câu hỏi hợp lý, đặc biệt là trong giai đoạn cả xã hội đang chú trọng đến việc nuôi dạy trẻ vị thành niên. Dù vậy, nhiều cuốn sách viết về bí quyết sống cũng như những cuộc hội thảo về cách nuôi dạy trẻ đã quá đề cao sức mạnh của việc nuôi dạy trẻ theo hướng tích cực mà không nhận ra quyền tự do lựa chọn của trẻ. Sự thật là trẻ vị thành niên có thể và sẽ đưa ra những lựa chọn cả bên trong lẫn bên ngoài khuôn khổ gia đình. Và mỗi lựa chọn sẽ mang lại một hậu quả tương thích.
Những lựa chọn sai lầm sẽ mang lại hậu quả không tốt. Ngược lại, những lựa chọn thông minh sẽ mang lại những kết quả tích cực.
Các bậc cha mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con trẻ để kiểm soát từng li từng tí cách hành xử của cháu. Chắc chắn bạn có thể làm như vậy khi con gái bạn lên ba nhưng lại không thể làm thế khi cháu đã mười ba tuổi. Dù gì chăng nữa thì con bạn cũng sẽ có quyết định của riêng nó.
Phạm vi những quyết định này sẽ tăng dần theo năm tháng. Đây là quá trình phát triển cần thiết nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ thất bại của trẻ. Khi đứng ra nhận trách nhiệm giùm cho trẻ, các bậc phụ huynh đang làm hại chính con em họ. Điểm mấu chốt của vấn đề là trẻ đã đưa ra một quyết định sai lầm và đang phải hứng chịu hậu quả. Khi các bậc làm cha mẹ nhận lấy phần lỗi về mình, trẻ sẽ không còn cảm thấy cắn rứt nữa. Trẻ sẽ rất vui mừng khi có người nhận lãnh trách nhiệm cho những việc làm sai trái của mình. Khi đó, trẻ sẽ không học được gì từ thất bại đã diễn ra và nhiều khả năng sẽ lặp lại điều đó trong tương lai.
Những bậc cha mẹ có xu hướng nhận sai lầm về mình trong việc vấp ngã về đạo lý của con trẻ thường là những người nhận thấy mình đã không làm tốt việc nuôi dạy con trước đây. Sau khi đọc những cuốn sách hoặc tham dự những buổi hội thảo chuyên đề, họ hiểu rằng mình đã vi phạm một vài khái niệm căn bản trong việc giáo dục con. Hối hận vì những sai sót đó, họ cảm thấy những sai lầm của trẻ là do lỗi của họ. Điều này là không nên, và cũng không đúng. Bạn chịu trách nhiệm cho thất bại của chính bản thân bạn chứ không phải thất bại của con em bạn. Nếu nhận thấy những thất bại cụ thể của mình trong việc nuôi dạy con trước đây, bạn có thể thú nhận với trẻ. Hãy tìm kiếm sự tha thứ của trẻ nhưng đừng nhận lấy trách nhiệm đối với những lựa chọn sai lầm của trẻ.