Một trong những điều khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhiều nhất đó là việc khi bắt đầu lớn, con họ không thích nói chuyện với cha mẹ nữa. “Con tôi không chịu nói chuyện với tôi. Vậy thì làm sao tôi có thể tạo ra những cuộc đối thoại chất lượng chứ?”.
Đúng là trong giai đoạn vị thành niên, trẻ sẽ cần nhiều sự riêng tư hơn khi chúng còn bé. Việc có những suy nghĩ, xúc cảm khác với cha mẹ cũng chính là một phần của sự tự lập. Đôi lúc, thay vì nói chuyện với cha mẹ, trẻ muốn tự mình giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của mình. Những lúc đó, thật sai lầm nếu các bậc cha mẹ cứ ép buộc chúng nói. Những gì bạn cần làm khi ấy là hãy nói cho con biết rằng trong trường hợp con muốn nói chuyện, bạn sẽ luôn sẵn sàng.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ không muốn nói chuyện với cha mẹ là vì chúng đã từng thất vọng hoặc bị khước từ trước đó. Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải chú ý tới những lời nói và việc làm của mình. Nhiều khi cha mẹ lại nói những câu an ủi sáo rỗng như: “Giờ này tuần sau con sẽ chẳng còn nhớ gì nữa đâu” hoặc đưa ra lời khuyên quá sớm như: “Cứ buồn bã như vậy chả có ích gì đâu. Sao con không ra ngoài chạy bộ vài vòng?”. Đây thường là những câu đáp chấm dứt đối thoại và diễn tả thái độ “biết cả rồi” mà không thể hiện chút thấu hiểu và thông cảm nào của bạn đối với tâm trạng của con lúc bấy giờ.
Hãy chủ động gợi chuyện với con nếu bạn cảm thấy chúng có gì đó thay đổi. Những câu hỏi như: “Có vẻ như hôm nay con không được vui. Có muốn nói chuyện không?” hay “Tối nay con trông có vẻ tươi tắn. Hôm nay có gì vui à?”… thường được đa số trẻ sẽ chấp nhận. Hãy nhớ rằng con bạn có quyền giữ kín suy nghĩ và cảm xúc của chúng. Điều bạn nên làm là hãy cho con biết bạn luôn sẵn sàng lắng nghe nếu nó muốn nói chuyện.
Thời điểm trò chuyện lý tưởng nhất là vào buổi khuya và trong phòng riêng của trẻ, hoặc sau khi các thành viên khác đã đi ngủ. Một vài tiếng đồng hồ trước khi ngủ có thể làm nên một sự khác biệt nho nhỏ cho con trẻ trong việc cảm nhận được tình thương của cha mẹ hoặc cảm thấy cô đơn và bị chối bỏ.