- Derek Chapman
Hãy lắng nghe và nói cho trẻ biết sự thật
Trong quá trình giải quyết tổn thương trong trái tim của con trẻ, cha/me đơn thân không chỉ học cách lắng nghe mà còn phải nói ra sự thật với trẻ nữa. Khi cha của trẻ bỏ đi, bạn đưa ra những lời giải thích đơn giản và có vẻ như trẻ đã hài lòng với chúng. Và bạn cho rằng vấn đề đã được giải quyết. Thế nhưng, giờ đây, trẻ lại lôi vấn đề ra và hỏi lại một lần nữa với những câu hỏi cụ thể hơn. Trẻ muốn biết nguyên nhân của việc cha mẹ ly hôn hay vì sao cha/mẹ chúng qua đời. “Nếu cha con là một người đàn ông tệ bạc thì tại sao mẹ lại kết hôn với ông ấy?” hay “Hãy nói cho con biết mẹ trông như thế
nào? Mẹ đã nói gì về con?”… là những câu hỏi rất đặc trưng của trẻ vị thành niên. Đây là những câu hỏi khó khăn, đau đớn nhưng là nhu cầu rất chính đáng để trẻ được biết chính xác những gì đã xảy ra.
Dù thế nào thì bạn cũng đừng biện hộ cho những sai lầm của mình hay của bạn đời trước kia. Hãy nói với trẻ sự thật. Nếu sau này trẻ phát hiện bạn nói dối, dù chỉ là những chi tiết hết sức nhỏ nhặt chăng nữa, thì sự kính trọng mà trẻ dành cho bạn cũng sẽ bị tổn thương. Có thể trước đây, bạn cho rằng khi con mình còn quá nhỏ và cháu không chịu đựng nổi sự thật phũ phàng. Nhưng giờ đây, khi là người sắp sửa trưởng thành, trẻ có nhu cầu được biết sự thật.
Marjoire, mẹ của một cô con gái mười bốn tuổi, tâm sự: “Điều khó khăn nhất mà tôi từng làm là trả lời những câu hỏi của con gái đang ở tuổi vị thành niên của mình. Tôi biết mình nên nói với cháu mọi chuyện sớm hơn nhưng tôi lại không tìm được thời điểm nào thích hợp cả. Giờ đây, cháu đặt ra nhiều câu hỏi rất khó trả lời, và tôi buộc phải lựa chọn giữa việc nói dối hay nói ra sự thật. Đêm đó là cái đêm đau đớn nhất cuộc đời tôi khi tôi nói với cháu rằng tôi chưa bao giờ kết hôn với cha của cháu cả, rằng chúng tôi đã gặp nhau tại một bữa tiệc và sau đó chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa. Trước đó, tôi luôn nói với cháu rằng cha cháu đã bỏ đi khi cháu còn nhỏ. Ban đầu, con gái tôi rất tức giận. Cháu nói rằng lẽ ra tôi nên kể với cháu sớm hơn. Nhưng điều làm tôi đau đớn nhất là khi cháu nói rằng: “Vậy là mẹ thật sự không muốn có con. Con chỉ là một tai nạn mà thôi”.
“Tôi lắng nghe những lời nói giận dữ của con và tôi bảo rằng tôi hiểu vì sao nó có cảm giác như thế, nhưng tôi hy vọng rằng những điều tôi đã làm có thể chứng tỏ cho con thấy là tôi yêu nó ngay từ lúc ban đầu. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều sau buổi tối hôm đó và thực sự đã rất thân thiết với nhau. Tôi chưa bao giờ thấy gần gũi với con gái mình hơn lúc này, và tôi nghĩ rằng cháu yêu thương tôi theo cách chín chắn hơn trước”. Người xưa đã đúng khi cho rằng thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Nhưng một điều đúng đắn khác là sự thật luôn có khả năng xoa dịu nỗi đau.
Hiểu và sử dụng ngôn ngữ yêu thương căn bản của trẻ là một phần vô cùng có ích trong giai đoạn này. Một cái chạm nhẹ, một lời khen ngợi, một món quà, một hành động thể hiện sự quan tâm hay một quãng thời gian chia sẻ với trẻ sẽ tạo ra môi trường phù hợp để quá trình chữa lành những nỗi đau trong quá khứ diễn ra thuận lợi. Sau này, con gái của Marjoire tâm sự với tôi: “Những cái ôm của mẹ đã giúp cháu vượt qua tất cả. Cháu chưa bao giờ cảm thấy đau đớn như khi mẹ nói cho cháu nghe sự thật. Cháu đã muốn bỏ chạy, hét lớn lên và muốn tự chấm dứt cuộc sống của mình. Nhưng khi mẹ
ôm lấy cháu, cháu cảm thấy như một tấm chăn được dệt từ tình yêu thương đang phủ quanh người cháu vậy”.