Thú nhận sai lầm là điều mà Tom quyết định sẽ làm trong thời gian sắp tới. Ngồi ở văn phòng tôi, anh đã bật khóc khi kể về những sai lầm của mình. Anh cho biết: “Tôi đã thất bại!” - Anh kể cho tôi nghe kế hoạch của anh. -
“Tối nay khi về nhà, tôi sẽ thú nhận những thất bại của mình với con. Hy vọng con bé sẽ cho tôi một cơ hội khác”. Và hôm đó, anh đã đề nghị tôi hướng dẫn anh luyện tập cách thú nhận, giúp anh không bị tình cảm chi phối làm cho chệch hướng.
Sau đây là những gì mà chúng tôi đã cùng nhau soạn ra. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo nội dung này để áp dụng cho mình trong những trường hợp tương tự.
“Tracy! Liệu con có thể dành thời gian nói chuyện với cha được không? Cha muốn chia sẻ với con một điều rất quan trọng với cha. Nhưng nếu con thấy đây không phải là thời điểm thích hợp thì cha sẵn sàng đợi”. Một khi Tracy đồng ý, Tom sẽ nói tiếp: “Hôm trước, cha đã tham dự một buổi hội thảo về sự nóng giận. Và cha nhận ra rằng trước đây, cha đã cư xử rất không phải với con. Khi con chia sẻ với cha những nỗi bận tâm của mình thì cha lại thiếu nhạy cảm và thường xen ngang lời con nói. Cha nhớ rất nhiều lần cha đã khuyên con cần phải trưởng thành hơn và đừng tỏ ra quá nhạy cảm như vậy. Nhưng giờ thì cha nhận ra rằng chính cha mới là người cần phải trưởng thành hơn. Cha xin lỗi vì đã khiến con cảm thấy không vui như vậy.
Cha muốn con biết rằng nếu con còn muốn chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình thì cha muốn là người được lắng nghe tất cả. Cha sẽ cố gắng lắng nghe và đáp lại con theo cách tích cực nhất. Cha biết rằng đôi khi con không thích cách đối xử của cha và điều này có lẽ sẽ còn xảy ra trong tương lai. Nhưng nếu con nói với cha những điều khiến con buồn bực và lo nghĩ, cha sẽ tôn trọng cảm xúc của con và chúng ta có thể cùng nhau giải quyết vấn đề. Con nghĩ sao?”.
Tôi bảo Tom rằng có thể con gái anh sẽ không nói với anh bất kỳ lời nào khi nghe anh nói như vậy. Tôi khuyến khích anh đừng gây áp lực để ép cháu phải mở miệng mà hãy thể hiện tình yêu thương, dùng những từ ngữ nhẹ nhàng ân cần với cháu. Đây sẽ là bước đầu tiên mà Tom phải thực hiện để phục hồi lại niềm tin và khả năng chia sẻ cơn giận dữ của con gái mình.
Khi có được cảm giác an toàn, trẻ vị thành niên sẽ chia sẻ cơn giận dữ với cha mẹ. Ngược lại, khi cảm thấy bị đe dọa hoặc xem thường thì nhiều trẻ sẽ chọn cách rút lui và im lặng. Mục tiêu của các bậc cha mẹ là hãy tạo ra một bầu không khí ấm áp, tràn đầy tình yêu thương để trẻ vị thành niên có thể thoải mái chia sẻ cơn giận dữ của chúng. Khi trẻ bắt đầu chia sẻ, phụ huynh hãy thực hiện công việc lắng nghe đầy khó khăn mà chúng ta đã thảo luận ở trên.