Tự nguyện phục vụ

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 60 - 61)

Vì chăm lo cho con trong bao nhiêu năm trời cộng với rất nhiều bổn phận khác nên nhiều khi các bậc cha mẹ quên mất rằng những việc làm thường ngày của mình là biểu hiện của tình thương và chúng có tác dụng rất lâu dài. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ cho rằng mình giống như nô lệ hay người giúp việc hơn là một người làm việc tận tụy vì tình yêu thương.

Sự tận tụy xuất phát từ tình yêu thương không phải là làm việc như một nô lệ. Nô lệ là do bị người ngoài ép buộc và làm việc một cách miễn cưỡng. Phục vụ vì yêu thương là do sự khao khát bên trong thúc đẩy chúng ta cống hiến hết sức lực của mình để chăm lo cho người khác. Sự tận tâm đó là một món quà được cho đi một cách tự nguyện. Còn khi cha mẹ phục vụ con với một thái độ cay đắng thì những nhu cầu về mặt thể chất của trẻ có thể được đáp ứng nhưng sự phát triển tinh thần của chúng lại bị kìm hãm.

Chăm sóc con là một công việc thường ngày, nên bạn cần phải kiểm tra xem liệu hành động thể hiện sự quan tâm của mình có truyền tải được thông điệp yêu thương hay không. Cameron, một câu bé tuổi vị thành niên, từng nói với tôi: “Cha sẽ giúp cháu làm bài tập về nhà nếu cháu nài nỉ ông. Nhưng những lúc đó cháu cảm thấy mình thật có lỗi và không đáng được ông quan tâm, giúp đỡ. Vậy nên cháu ít khi nhờ đến cha”. Hành động thể hiện sự quan tâm của người cha này không hề truyền tải được thông điệp yêu thương. Thậm chí, nhiều người mẹ cũng không truyền tải được tình thương qua các hành động thể hiện sự quan tâm của mình. “Cháu muốn nhờ mẹ giúp cùng làm bài tập ở trường nhưng cháu thấy hình như mẹ quá bận rộn.” - Julia, đang học năm đầu trung học, tâm sự. - “Cháu có cảm giác mẹ giúp cháu chỉ để cháu không làm phiền mẹ nữa mà thôi”. Nếu muốn trẻ cảm nhận được tình yêu thương của mình qua những hành động thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, các bậc cha mẹ cần thực hiện chúng một cách tự nguyện.

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 60 - 61)