Đáng buồn là hầu hết các bậc phụ huynh đều phản ứng một cách tiêu cực trước những từ ngữ bùng nổ trong cơn tức giận của con em mình. Chúng ta nổi giận vì cách nói chuyện của chúng và thường quát mắng chúng vì điều đó. Nhiều phụ huynh nói: “Hãy im lặng và quay về phòng của con đi. Con không được phép nói chuyện với cha/mẹ như thế”. Với cách phản ứng này, họ đã khiến dòng chảy giao tiếp ngừng lại và làm mất đi cơ hội khám phá ra nguồn gốc cơn giận của con em mình. Nhà cửa có thể trở nên yên ắng, nhưng cơn giận dữ thì vẫn âm ỉ cả trong lòng trẻ vị thành niên lẫn cha mẹ. Cơn giận ấy sẽ không biến mất cho đến khi nó được tìm hiểu và giải quyết một cách tường tận.
Tôi gọi cách xử sự này là “đóng nút” cơn giận của trẻ vị thành niên. Nó cũng giống như việc đóng nút cái chai giận dữ đã đầy bên trong trẻ. Khi đó, trẻ sẽ tỏ ra giận dữ gấp đôi. Không những giận về việc các mối bận tâm của mình đã không được quan tâm đúng mức mà còn về cách đối xử của các bậc phụ huynh. Thay vì dạy con em mình cách kiểm soát, đối phó với cơn giận dữ một cách tích cực, các bậc phụ huynh đã làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Nếu quan tâm đến con em mình, các bậc phụ huynh sẽ tập trung vào điều trẻ đang nói đến chứ không phải là cách trẻ thể hiện điều đó. Điều quan trọng lúc ấy là khám phá ra nguồn gốc cơn giận của trẻ, và trẻ là người duy nhất có thể cung cấp cho bạn thông tin này. Nếu trẻ la hét với bạn, nghĩa là lúc ấy trẻ đang cố gắng nói với bạn một điều gì đó. Các bậc phụ huynh thông minh sẽ chuyển ngay sang trạng thái lắng nghe. Nếu có thể, hãy dùng giấy bút ghi chép lại điều con bạn đang nói. Điều này sẽ giúp bạn hướng sự chú ý đến thông điệp đang được truyền tải thay vì cách nó được truyền tải. Hãy xem trẻ đang nghĩ là đã có sự bất công nào. Tuy nhiên, bạn đừng biện hộ hay thanh minh gì cả. Đây không phải là lúc để tranh cãi. Đây là lúc bạn cần phải lắng
nghe để thu thập những thông tin “bí mật” - điều cần thiết để đạt được một thỏa thuận hòa bình với trẻ.