- Derek Chapman
3. Đừng cố gắng khắc phục sai lầm
Phản ứng tự nhiên của các bậc cha mẹ là cố gắng giảm thiểu hậu quả những việc làm sai trái của con. Theo quan điểm của tôi, việc chuyển sang chế độ “kiểm soát thương tổn” và cố gắng bảo vệ con em mình trong trường hợp này là việc làm rất thiếu khôn ngoan. Khi bạn loại trừ những hậu quả hiển nhiên từ thất bại của con em mình, nghĩa là bạn đang kìm hãm sự trưởng thành của trẻ. Trẻ vị thành niên học được những bài học sâu sắc nhất của cuộc sống thông qua trải nghiệm hậu quả của sự thất bại. Khi cha mẹ loại trừ những hậu quả đó, trẻ sẽ nhận được một thông điệp khác - thông điệp dần hình thành sự vô trách nhiệm ở trẻ: “Tôi có thể làm những điều sai trái khác và một ai đó sẽ gánh chịu hậu quả thay tôi”. Kết luận này sẽ khiến trẻ khó học được bài học của tinh thần trách nhiệm.
Tất nhiên, tôi biết thật khó để chứng kiến việc con mình gánh chịu những hậu quả từ các quyết định cháu đã đưa ra, nhưng loại bỏ những hậu quả ấy cũng đồng nghĩa với việc bạn đã loại bỏ một trong những người thầy vĩ đại nhất của cuộc sống. Một phụ huynh đã tâm sự với tôi: “Điều khó nhất mà tôi đã làm trong cuộc đời mình là bước ra khỏi nhà tù và để lại con trai mình sau những chấn song. Tôi biết rằng mình có thể giúp cháu thoát khỏi sự giam cầm ấy nhưng nếu tôi làm thế, có lẽ ngay đêm hôm đó cháu sẽ lại phạm pháp một lần nữa. Vì muốn tốt cho cháu, tôi đã chọn cách để cháu phải chịu đựng hậu quả từ những việc làm sai trái mà cháu đã gây ra. Khi nhìn lại, tôi biết đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất mà tôi đã đưa ra vì lợi ích của con”.
Sau khi bàn luận về những điều tiêu cực, bây giờ ta sẽ tìm hiểu những điều tích cực mà mình có thể làm cho trẻ.