- Derek Chapman
TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ
Tất nhiên, trước khi tên gọi “trẻ vị thành niên” ra đời, chắc chắn những đứa trẻ vị thành niên đã xuất hiện. Mãi cho đến thập niên 40 của thế kỷ XX, trẻ thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn được biết đến như những đứa trẻ đang lớn. Nhưng sau Thế chiến thứ hai, những biến chuyển về mặt công nghiệp và xã hội đã thay đổi tất cả. Cụm từ “trẻ vị thành niên” xuất hiện dẫn đến sự ra đời của một nền văn hóa đặc trưng cho một nhóm tuổi đặc biệt - không còn là những bé con, nhưng cũng chưa phải là những chàng trai cô gái.
Một thập kỷ trước Thế chiến thứ hai, hầu hết trẻ em từ mười ba đến mười chín tuổi đều làm việc trong các nông trang, nhà máy, hay tại nhà để giúp cha mẹ nuôi nấng các em. Họ không có nhiều lựa chọn và phải làm những việc mà người khác mong đợi cho đến khi họ đủ tuổi kết hôn. Không có một khái niệm nào về giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn.
Cuộc đại suy thoái vào đầu những năm 30 đã thay đổi tất cả. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo theo nhiều biến động. Số lượng việc làm trở nên ít ỏi và tình trạng thanh thiếu niên thất nghiệp ngày càng phổ biến. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, nhiều người đã đến các thành phố lớn để tìm việc. Không tìm được việc, họ ngủ trong những công viên hay trên các vỉa hè hoặc đi xin ăn. Thực trạng này đã làm dấy lên một vấn đề rất đáng lo ngại cho toàn xã hội. Nhà xã hội học Grace Palladino nhận định: “Việc thanh thiếu niên bỏ nhà ra đi đã buộc xã hội phải tập trung vào những vấn đề của họ”.
Trước tình trạng này, Tổng thống Franklin Roosevelt phải thành lập Tổ chức thanh niên quốc gia (NYA) để chăm lo cho những thanh thiếu niên đang vỡ mộng trên toàn nước Mỹ. Đến lượt mình, tổ chức này đã tác động trở lại và làm thay đổi nhận thức của người dân Mỹ về việc học hành. Trước thời điểm ấy, việc học phổ thông không phải là một lựa chọn của thanh thiếu niên Mỹ. Chẳng hạn, vào những năm 1900, chỉ có 6% thanh thiếu niên 17 tuổi có được bằng phổ thông. Thế nhưng đến năm 1939, gần 75% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-17 đang học phổ thông. Ý tưởng được đặt ra ở đây là trường phổ thông sẽ mang đến một chương trình đào tạo hướng nghiệp trong môi trường kỷ luật và thống nhất. Trong môi trường này, thanh thiếu
niên sẽ khám phá ra năng lực thật sự của mình, phát triển mục tiêu, xây dựng những thói quen tích cực và sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội sau khi tốt nghiệp.
Sự chuyển biến của những người trẻ tuổi từ lực lượng lao động (hay đang thất nghiệp) vào những trường phổ thông công lập đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc hình thành một nền “văn hóa vị thành niên” riêng biệt. Palladino đã cho biết: “Trong khi những nhà giáo dục và tổ chức NYA đang tập trung vào tương lai của trẻ vị thành niên thì bản thân họ lại đang khám phá ra một thế giới mới và thú vị hơn rất nhiều - thế giới của âm nhạc trên radio, khiêu vũ và những trò vui. Khi nền kinh tế được phục hồi vào cuối thập niên 30, các học sinh phổ thông đã hình thành được quan điểm xã hội cho riêng mình là không quan tâm đến cuộc sống gia đình hay những trách nhiệm của người lớn”.
Đây là thế hệ trẻ vị thành niên đầu tiên được biết đến dưới tên gọi
“teenager” và đa số họ đều đi học phổ thông. Khái niệm thế hệ trẻ vị thành niên bắt đầu được định hình. Những học sinh phổ thông đã tìm ra một nhịp điệu và một thứ ngôn ngữ của riêng họ.
Những học sinh phổ thông nước Mỹ từng được biết đến vào thập niên 30 với tên gọi “bobby soxer” - khiêu vũ theo những giai điệu sôi động của các ban nhạc nổi tiếng - đã hình thành nên một khuôn mẫu mà sau đó được thể hiện bằng cụm từ “teenager”. Họ đã hình thành một lối sống văn hóa mới, bao gồm những phong cách thời trang, âm nhạc, khiêu vũ và các sở thích khác biệt. Họ làm cho các bậc cha mẹ phát cáu bằng thứ ngôn ngữ mà chỉ có bạn bè của họ mới hiểu được.
Thêm vào đó, họ còn dành thời gian và tiền bạc để lập ra những câu lạc bộ người hâm mộ và xếp hàng trên đường nhiều giờ liền mỗi khi có một ban nhạc nổi tiếng biểu diễn, chỉ với mục đích là được nhìn thấy thần tượng âm nhạc của mình.
Những nhà quảng cáo bắt đầu nhận ra tiềm năng lợi nhuận từ số đông học sinh phổ thông vô lo này. Họ thử nghiệm nhiều tên gọi như “teener”, sau đó là “teenster” và vào năm 1941 là “teenager”. Cũng như tên gọi “bobby soxer”, “teenager” được hiểu là thế giới của những học sinh phổ thông, bao gồm việc hẹn hò, lái xe, khiêu vũ và những trò vui vẻ.