- Derek Chapman
3. Mong muốn được độc lập về mặt xã hộ
Chọn bạn bè thay vì gia đình
Con bạn không chỉ cần có sự độc lập về thể xác và tình cảm mà chúng còn muốn có sự độc lập về mặt xã hội đối với cha mẹ. Mong muốn này được thể hiện qua nhiều cách khác nhau và một trong số đó là việc trẻ chọn bạn bè thay vì chọn gia đình. Chẳng hạn, bạn đã lên kế hoạch cho một buổi dã ngoại vào chiều thứ bảy. Tối thứ năm, bạn nói cho con nghe về kế hoạch của mình, và cháu nói: “Con không đi đâu!”.
“‘Con không đi’ là sao?” - Trong cương vị một người cha, bạn đáp lại với vẻ mặt ngạc nhiên.
- “Con là một phần của gia đình ta kia mà.”
“Con biết, nhưng con đã có kế hoạch cho ngày hôm đó rồi!” - Con bạn trả lời. - “Con sẽ đi một vài nơi với các bạn.”
“Vậy thì hãy nói với các bạn con là kế hoạch đã thay đổi.” - Bạn đề nghị. - “Đây là một hoạt động của gia đình, và việc có con tham gia là rất quan trọng.”
“Nhưng con không muốn tham gia.” - Trẻ đáp lại.
Cuộc nói chuyện này có thể sẽ trở thành một cuộc chiến nếu bạn không nhanh chóng nhận ra mình đang nói chuyện với một đứa trẻ vị thành niên chứ không phải là một đứa trẻ con.
Các bậc phụ huynh có thể ép buộc một đứa trẻ con tham gia vào các hoạt động của gia đình. Một khi đã có mặt ở đó thì trẻ sẽ vẫn vui vẻ như thường. Nhưng nếu áp dụng chiến thuật này với trẻ vị thành niên thì trẻ sẽ tham gia một cách miễn cưỡng. Trẻ sẽ không tỏ ra hưởng ứng và vui thú gì với hoạt động ấy.
Theo tôi, cách giải quyết vấn đề tốt hơn cả là cho phép trẻ không tham gia, đặc biệt khi bạn thông báo hoạt động này cho cháu quá trễ. Tất nhiên, ý tôi không phải là trẻ không cần phải tham gia vào những hoạt động của gia đình. Trong những sự kiện cần đến sự hiện diện của các gia đình, bạn nên tìm cách để con tham gia. Nhưng bạn nên báo trước một thời gian để con chuẩn bị thời gian và tâm lý. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giải thích lý do vì sao sự hiện diện của con lại quan trọng đến như thế. Nếu cảm thấy thời gian biểu và mối quan tâm của mình được cân nhắc, trẻ sẽ tham gia với thái độ tích cực.
phụ huynh sẽ vun đắp cho nó bằng cách đồng ý cho phép trẻ tham gia vào những sự kiện xã hội riêng, và sẽ chấp nhận điều này cùng với thái độ yêu thương thay vì cãi vã. Nếu tranh cãi với trẻ rồi mới miễn cưỡng đồng ý thì cha mẹ sẽ không thể vun đắp cho tính độc lập của trẻ, mà cũng không thể hiện được tình yêu thương. Việc trẻ muốn ở bên cạnh bạn bè không phải là một hình thức chối bỏ cha mẹ. Nó là một dấu hiệu cho thấy hoạt động tương tác xã hội của trẻ không còn gói gọn trong phạm vi gia đình nữa.
Tôn trọng thể loại nhạc mà trẻ yêu thích
Một lĩnh vực khác thể hiện khát khao được độc lập về mặt xã hội của trẻ chính là âm nhạc. Con bạn sẽ chọn thể loại nhạc mà cháu yêu thích. Không có gì thể hiện quan điểm văn hóa của trẻ vị thành niên rõ hơn âm nhạc. Vì thế, sẽ thật ngốc nghếch nếu cứ khuyên con phải nghe loại nhạc nào. Điều chắc chắn là loại nhạc mà con bạn chọn sẽ khác với loại nhạc bạn thích. Tại sao tôi khẳng định như vậy? Câu trả lời chính là mong muốn độc lập của trẻ: Trẻ muốn trở nên khác biệt so với bạn.
Âm nhạc luôn có khả năng lay động tâm hồn và trái tim con người. Tầm ảnh hưởng của âm nhạc rất rộng lớn. Nhưng trong hiện tại, con bạn đang trải qua giai đoạn vị thành niên và đang muốn thể hiện sự độc lập của mình. Việc chọn thể loại âm nhạc của trẻ sẽ bị chi phối bởi nhu cầu được độc lập mới hình thành này.
Trong những năm tháng đặc biệt này, các bậc cha mẹ cần phải giải thích với con em mình thật rõ ràng về việc có thể và không thể chấp nhận được ca từ trong những bài hát trẻ nghe. Chẳng hạn, những bài hát có lời ca đề cập đến bạo lực và tình dục là thể loại nhạc không phù hợp với con em bạn. Bạn cần cho con biết hậu quả của việc mua những đĩa nhạc như vậy. Khi phê phán thể loại âm nhạc mà con chọn mua, các bậc phụ huynh đã gián tiếp phê phán bản thân trẻ. Nếu việc phê phán này cứ tiếp diễn thì trẻ sẽ thấy mình không được cha mẹ yêu thương. Ở đây, tôi khuyến khích bạn đọc ca từ của những ca khúc mà trẻ đang nghe. Nếu có thể, hãy tìm hiểu về tác giả cùng ca sĩ trình bày chúng. Hãy chỉ ra những chỗ bạn thấy thích trong ca từ bài hát, hoặc ghi nhận những mặt tích cực của bản nhạc. Hãy lắng nghe nếu con em bạn chia sẻ suy nghĩ của riêng cháu về chủ đề ấy.
Nếu con bạn biết rằng cha mẹ không những không phê phán, chỉ trích thể loại nhạc chúng đã chọn mà còn đưa ra nhiều lời bình phẩm tích cực thì chúng sẽ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của bạn, và đôi lúc còn đồng tình với bạn nữa. Dù trẻ có không đồng ý với bạn chăng nữa thì bạn cũng đã gieo vào suy nghĩ của cháu một thắc mắc. Hãy nhớ rằng khi đã biết suy nghĩ hợp tình hợp lý; trẻ sẽ tự rút ra kết luận cho mình. Khi trẻ cảm nhận được sự hỗ trợ về mặt
tinh thần của bạn, trẻ sẽ cảm thấy mình được yêu thương.
Nói một thứ ngôn ngữ khác và mặc những loại quần áo khác
Khi bước vào tuổi vị thành niên, trẻ thường học cách sử dụng một thứ ngôn ngữ mới. Mục đích của việc này là để tránh sự “nhòm ngó” của các bậc phụ huynh. Tại sao trẻ lại làm thế? Câu trả lời chính là nhu cầu độc lập về mặt xã hội của trẻ. Trẻ đang cố gắng tạo ra khoảng cách với cha mẹ, và ngôn ngữ là một phương tiện để giúp trẻ đạt được điều này. Nếu bạn cố gắng tìm hiểu thứ ngôn ngữ mà con mình sử dụng, bạn sẽ phá bỏ hoàn toàn mục đích đó của trẻ. Vì thế, điều đơn giản nhất là bạn hãy học cách chấp nhận ngôn ngữ mới này của con em mình và xem đó như một bằng chứng cho thấy trẻ đang lớn lên và trưởng thành hơn.
Các trẻ vị thành niên hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng người lớn thì không phải lúc nào cũng có thể hiểu được. Đây là giai đoạn trẻ hình thành cho mình những mối quan hệ ngoài gia đình và kết nối với những người đồng trang lứa. Nếu các bậc phụ huynh xem thường thứ ngôn ngữ đó thì trẻ sẽ cảm thấy mình bị chối bỏ. Vì thế, hãy cho phép con em bạn thể hiện một khía cạnh của sự độc lập về xã hội mới mẻ này, và hãy tiếp tục thương yêu cháu.
Trẻ vị thành niên cũng có những nguyên tắc thời trang riêng và thường khác với gu thẩm mỹ của bạn. Những bộ cánh mới này sẽ đồng hành cùng với những kiểu tóc mới và đầy màu sắc mà có thể bạn chưa từng thấy trước đó. Bên cạnh đó, trẻ có thể sơn móng tay bằng những hoa văn mà theo bạn là rất kỳ quặc hoặc đeo những món trang sức lạ đời. Nếu phụ huynh cảm thấy
“chướng mắt” với tất cả những thứ này và buộc tội con là “quái gở” thì trẻ sẽ thu mình vào vỏ ốc. Khi bị cha mẹ kiểm soát quá gắt gao và buộc phải ăn mặc “bình thường”, có thể trẻ sẽ giận dỗi làm theo khi có mặt phụ huynh. Nhưng khi không có cha mẹ ở bên cạnh, trẻ sẽ quay lại làm một trẻ vị thành niên đúng nghĩa.
Sẽ rất hữu ích nếu các bậc phụ huynh nhìn nhận vấn đề trang phục này thông thoáng hơn.
Quan niệm về thời trang được hình thành trên nền tảng văn hóa xã hội. Nếu nghi ngờ, hãy tự hỏi bản thân: “Tại sao mình lại mặc những món quần áo mà mình đang mặc trên người?”. Rất có thể nguyên nhân là vì những người có nền tảng văn hóa tương đồng với bạn cũng đang mặc những kiểu quần áo như vậy. Hãy quan sát bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm và những người có mối quan hệ xã hội với bạn nói chung. Hầu như tất cả đều ăn mặc tương tự như nhau. Trẻ vị thành niên cũng tuân theo nguyên tắc như vậy. Chúng chỉ đơn giản là đang thể hiện văn hóa của người vị thành niên.
Điều bạn nên làm là chấp nhận nhu cầu được độc lập về mặt xã hội của trẻ và nhìn nhận phong cách ăn mặc của chúng theo quan điểm tích cực. Hãy để trẻ được sống đúng với lứa tuổi của chúng với một nhận thức rõ ràng rằng khi trưởng thành, trẻ sẽ ăn mặc tương tự như những người trưởng thành xung quanh. Ngược lại, khi tạo ra một cuộc chiến dữ dội về quần áo với con em mình, chẳng những các bậc phụ huynh đã làm một việc vô ích mà còn gây chia rẽ trong mối quan hệ với trẻ. Những cuộc chiến này không thể làm thay đổi ý kiến của trẻ và cũng không mang đến phần thưởng tích cực nào cho những người làm cha mẹ.
Người làm cha mẹ thông minh luôn biết chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình trong trường hợp họ buộc phải làm thế, nhưng họ vẫn biết lùi lại đúng lúc và tạo cơ hội cho con tự do phát triển sự độc lập về mặt xã hội. Đồng thời, họ vẫn tiếp tục đổ đầy bình chứa tình cảm của trẻ bằng cách thường xuyên sử dụng ngôn ngữ yêu thương chính của con và sử dụng bốn ngôn ngữ còn lại khi có thể.