Một cậu bé 10 tuổi có thể mong chờ cái ôm cùng lời khen ngợi của mẹ sau khi trận bóng kết thúc, nhưng cậu bé 16 tuổi thì không. Không những thế, có thể cậu bé đó còn hy vọng mẹ cũng đừng có tìm mình. Cậu sẽ ăn mừng cùng đồng đội và bạn bè của cậu. Trong đa số trường hợp, trẻ vị thành niên không muốn bị cha mẹ ôm một cách nồng nhiệt ở nơi công cộng hay trước mặt bạn bè của chúng. Bạn bè luôn đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định bản thân của trẻ. Do đó, việc “tắm” trong sự yêu thương của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến sự tự khẳng định và khát khao độc lập của trẻ. Một trẻ vị thành niên nói với tôi: “Việc đó khiến cháu cảm thấy cha mẹ vẫn coi cháu như đứa con nít”. Một quy luật mà các bậc cha mẹ nên chú ý là đừng bao giờ chạm vào con bạn khi có bạn bè chúng ở đó, trừ khi chúng là người chủ động.
Nhiều lúc trẻ cũng đón nhận những cử chỉ âu yếm khi có mặt những thành viên khác trong gia đình như ông bà. Nếu bạn đang kể với ông bà về một thành tích nào đó của trẻ thì một cái vỗ vai sau đó có thể sẽ được trẻ đón nhận. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng đúng. Vì thế, hãy xem xét phản ứng của con bạn trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào.
Vậy đâu là nơi thích hợp để sử dụng cử chỉ yêu thương đối với trẻ vị thành niên? Câu trả lời là trong nhà hoặc khi chỉ có bạn và con. Những lúc này, các cử chỉ âu yếm có thể được trẻ xem như một công cụ giao tiếp thể hiện tình cảm của bạn.
Jacob, một cậu bé 14 tuổi đã nói rằng: “Cháu rất thích đi cắm trại với cha. Đó là lúc cháu cảm thấy gần gũi với cha nhất”. Khi tôi hỏi: “Vậy cháu thích nhất điều gì khi đi cắm trại với cha?” thì Jacob đáp: “Khi hai cha con
cháu thi gồng tay nhau bên lửa trại. Cháu đặc biệt thích cảm giác khi cháu thắng được cha”. Tình yêu được truyền đến Jacob thông qua sự tiếp xúc thể chất. Tính độc lập và sự tự khẳng định của cậu bé được khuyến khích, nhất là khi cậu thắng.
Jessica, 15 tuổi tâm sự: “Hai mẹ con cháu rất thân thiết với nhau. Cháu không nghĩ mình có thể vượt qua mọi chuyện nếu không có vòng tay âu yếm của mẹ. Năm học này khá vất vả nhưng cháu biết mỗi khi về nhà, cháu sẽ được mẹ chào đón bằng những cái ôm thật chặt”. Mẹ của Jessica đã phát hiện ra được ngôn ngữ yêu thương của con gái mình và chỉ sử dụng nó trong phạm vi gia đình. Điều mà các bậc phụ huynh nên ghi nhớ khi sử dụng ngôn ngữ yêu thương này là phải luôn chọn thời điểm và địa điểm thích hợp. Nếu không, nó sẽ không truyền tải được tình cảm của bạn.