Thời điểm tiếp xúc

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 38 - 39)

Trong sách cổ của người Do Thái có câu: “Làm việc gì cũng có lúc của nó... có lúc để ôm ấp và có lúc phải kiềm chế ”. Nhiều huấn luyện viên cũng thường nói với vận động viên của mình: “Thời điểm là tất cả”. Tương tự, các bậc phụ huynh của trẻ vị thành niên cần phải biết chọn thời điểm thích hợp để thể hiện tình cảm của mình. Những hành động tốt nhưng không đúng lúc thường phản tác dụng. Có hai lý do khiến việc này trở nên khó khăn: Thứ nhất, thời điểm thường được định đoạt theo tâm trạng của trẻ; và thứ hai, không phải lúc nào tâm trạng của trẻ cũng thể hiện rõ ràng. Nhiều lúc chỉ sau khi cha mẹ “chủ động” ôm ấp đứa con thân yêu của mình thì họ mới phát hiện ra chúng đang trong trạng thái "phản-tiếp-xúc". Nhưng khó không có nghĩa là không thể xác định.

Nhiều bậc cha mẹ học cách đoán biết tâm trạng trẻ thông qua hành vi của chúng. Một người mẹ nói: “Tôi có thể đoán biết con trai mình có muốn được chạm vào hay không bằng cách nhìn nó đóng cửa khi vào nhà. Nếu nó đóng sập mạnh cửa thì có nghĩa là nó đang trong trạng thái 'Đừng có đụng vào con'. Nếu nó đóng cửa từ từ thì có nghĩa là 'Con sẵn sàng để được mẹ âu yếm’”. Một người mẹ khác lại cho biết: “Tôi có thể biết được khi nào thì con gái mình không muốn bị đụng đến bằng khoảng cách nó đứng nói chuyện với tôi. Nếu nó đứng xa nghĩa là nó không muốn bị chạm vào. Nhưng nếu nó tiến lại gần thì có nghĩa là nó sẵn sàng đón nhận một vòng tay ôm”.

Trẻ vị thành niên thể hiện tâm trạng thông qua ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn như việc chúng đứng cách bạn bao xa hay có khoanh tay lại hay không. Những bậc phụ huynh tinh ý sẽ quan sát những ngôn ngữ cơ thể này và nhận biết được khi nào là lúc thích hợp để chạm vào con trẻ. Điều quan trọng không phải là tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ lại trong tâm trạng “đừng đụng vào con”, mà là nhận ra và tôn trọng tâm trạng đó.

Sẽ thật sai lầm nếu bạn cố tình chạm vào trẻ khi chúng đang tức giận. Tức giận thường chỉ đẩy con người xa nhau hơn mà thôi. Lúc đó, khả năng bạn bị cự tuyệt là rất cao. Với tính độc lập của mình, trẻ sẽ phản ứng lại những biểu hiện tình cảm trong thời điểm không thích hợp.

Tuy vậy, bạn cũng đừng vội nản lòng bởi luôn có rất nhiều thời điểm thích hợp để bạn tiếp xúc với trẻ. Một trong những dịp đó có thể là khi con bạn đạt được một thành công nào đó, chẳng hạn như giành chiến thắng trong thi đấu thể thao, đoạt giải trong hội diễn âm nhạc, biểu diễn xuất sắc một màn múa, hoàn thành bài luận quan trọng trong trường, vượt qua bài kiểm tra toán học hay thi lấy được bằng lái... Đó là những lúc trẻ sẵn sàng đón nhận những tiếp

xúc yêu thương từ cha mẹ. Cảm giác hạnh phúc khi đạt được một mục tiêu nào đó sẽ thúc đẩy trẻ tiến xa hơn trên con đường độc lập và tự khẳng định bản thân. Lúc đó sự chúc mừng bằng những lời khen ngợi hay cử chỉ âu yếm sẽ được con bạn đón nhận như một bằng chứng cho việc bạn công nhận sự trưởng thành của chúng.

Thế nhưng, cũng có lúc con cái bạn cần đến những cử chỉ âu yếm khi gặp thất bại. Đó có thể là lúc con bạn đang buồn vì không làm được bài kiểm tra môn toán, bị bạn bè bỏ rơi hay đột nhiên cảm thấy bực dọc.

Hãy tôn trọng tâm trạng của trẻ và lựa chọn thời điểm thích hợp để tiếp xúc với trẻ. Chúng ta học hỏi kinh nghiệm thông qua những thành công mình đạt được, nhưng đôi khi, ta còn có thể học được thông qua những sai lầm.

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 38 - 39)