Khi con em của bạn đúng (điều này có thể xảy ra)

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 102 - 105)

Đôi lúc, sau khi đã lắng nghe những mối bận tâm của con em mình, các bậc phụ huynh chợt nhận ra rằng trẻ đã đúng. Mary Beth tâm sự với tôi: “Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ngày con gái Christy của tôi nổi giận với tôi vì tôi đã vào phòng và dọn dẹp bàn học của cháu. Cháu nói với tôi một cách rành mạch rằng cháu giận tôi vì tôi đã xâm phạm không gian riêng của cháu, rằng tôi không có quyền vào phòng cháu và làm mọi thứ lộn xộn lên như vậy, rằng tôi đã vứt đi một số thứ rất quan trọng đối với cháu. Cháu còn nói rằng nếu tôi làm việc này lần nữa, cháu sẽ ra khỏi nhà. Đó là lúc tôi nhận ra rằng mình đã làm cháu tổn thương đến thế nào và cháu cảm thấy vấn đề này nghiêm trọng ra sao. Tôi đã có thể tranh cãi rằng tôi có quyền vào phòng cháu và làm bất cứ việc gì mà tôi muốn, rằng nếu cháu dọn dẹp bàn mình gọn gàng, thì tôi đã không phải làm việc đó. Nhưng thay vào đó tôi đã chọn cách lắng nghe lời cháu nói.

Tôi cho rằng đó là lần đầu tiên tôi nhận thức được rằng đứa con gái mười bảy tuổi của mình đã trở thành một người lớn thật sự, rằng tôi không thể đối xử với cháu như trẻ con. Thế là tôi nói với cháu: ‘Mẹ xin lỗi. Mẹ đã nhận ra việc làm sai trái của mình dù ý định của mẹ chỉ là dọn dẹp bàn của con cho gọn gàng hơn mà thôi. Nhưng giờ thì mẹ hiểu là con đang nói gì và mẹ nhận thấy rằng mình không có quyền vứt những món đồ của con đi. Thật sự là mẹ không có quyền dọn dẹp phòng của con. Nếu con tha lỗi cho mẹ, mẹ hứa sẽ không làm điều này nữa’. Tôi cho rằng ngày hôm đó đã đánh dấu sự thay đổi trong mối quan hệ của hai mẹ con tôi. Nó đánh dấu ngày tôi đối xử với con gái mình như một người trưởng thành”.

Với sai lầm của mình, các bậc phụ huynh đã làm bùng nổ cơn giận dữ của trẻ. Nếu biết lắng nghe và cư xử với trẻ một cách chân thành thì ta sẽ nhận ra lỗi lầm của bản thân mình. Việc thừa nhận sai lầm và mong được tha thứ luôn tạo nên cách tiếp cận tích cực. Hầu hết trẻ vị thành niên sẽ tha thứ nếu các bậc phụ huynh biết đưa ra một lời xin lỗi chân thành.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh lại thường có quan điểm sống khác biệt so với con em họ. Quan điểm này cần được chia sẻ một cách cởi mở nhưng

chặt chẽ. John đã chăm chú lắng nghe những lời giận dữ của Jacob, con trai anh, trong một lần cháu nổi giận. Lần đó, Jacob tức giận vì John đã không cho nó mượn tiền để trả tiền bảo hiểm xe hơi. Một năm rưỡi trước, khi Jacob được mười sáu tuổi, John đã mua cho cậu một chiếc xe hơi với thỏa thuận rằng Jacob sẽ trả tiền xăng và bảo hiểm. Jacob đã đóng đủ tiền bảo hiểm trong hai lần đầu tiên. Nhưng đến lần thứ ba, cậu không đủ tiền nên đã mượn tiền của cha để tiếp tục được sử dụng xe. Jacob biết rằng John không thiếu tiền và việc cho mượn số tiền ấy hoàn toàn nằm trong khả năng của ông.

John lắng nghe Jacob một cách cẩn thận, ghi chép lại những điều con nói. Sau đó ông đáp: “Vậy con cho rằng cha nên cho con mượn tiền vì cha không thiếu tiền và không gặp vấn đề gì khi làm thế, phải không?”.

“Đúng vậy!” - Jacob đáp. - “Đây chỉ là việc vặt đối với cha, nhưng lại rất hệ trong đối với con.

Nếu cha không cho con mượn tiền, thì con không thể đụng đến chiếc xe ít nhất là hai tuần lễ”.

John vẫn lắng nghe khi Jacob giãi bày những suy nghĩ của mình. Sau đó ông nói: “Cha có thể hiểu được lý do vì sao con lại muốn cha làm điều này. Cha biết con sẽ cảm thấy vô cùng bất tiện khi không được sử dụng xe trong hai tuần lễ. Nhưng hãy để cha nói những suy nghĩ của cha. Với vai trò của mình, cha phải có trách nhiệm giúp con hiểu và kiểm soát được việc chi tiêu. Ngay từ đầu, chúng ta đã thỏa thuận với nhau là con sẽ trả tiền xăng dầu và bảo hiểm cho chiếc xe của con. Thế nhưng, thay vì để dành tiền, con lại tiêu mất nó. Đó là lựa chọn của con. Tất nhiên, cha không can thiệp việc con tiêu tiền của con. Nhưng vì con đã lựa chọn cách tiêu tiền ấy, vậy nên con không có đủ tiền để trả tiền bảo hiểm xe”.

“Cha nghĩ có thể cha sẽ làm hỏng con nếu cho con mượn số tiền này.” - John tiếp tục. - “Cha cho rằng đây là một bài học để con biết cách kiểm soát tiền bạc. Trong hai tuần tiếp theo, cha sẵn lòng cho con mượn xe của cha khi có thể. Cha sẽ chở con đến những nơi con muốn đến nếu cha không thể cho con mượn xe. Nhưng bây giờ, cha sẽ không cho con mượn tiền đóng bảo hiểm xe. Con có hiểu ý cha không?”.

Jacob gật đầu và trả lời bằng giọng lí nhí: “Con nghĩ là mình hiểu rồi ạ!”.

Tất nhiên là Jacob không vui, nhưng cậu đã hiểu những gì cha nói. Cậu sẵn lòng chấp nhận điều này vì cha cậu đã lắng nghe cậu cẩn thận, chấp nhận những mối bận tâm của cậu và đã thật sự thấu hiểu.

Mục tiêu của các bậc phụ huynh là giúp con em mình biết cách đối phó với những cơn giận dữ và tìm ra một giải pháp thích đáng để giải quyết nó.

Những cơn giận không được giải quyết là một trong những điều tệ hại nhất đối với trẻ vị thành niên. Chúng là nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc cay đắng và oán giận. Trẻ vị thành niên sẽ cảm thấy mình bị chối bỏ và không được yêu thương. Nó cũng khiến cho việc tiếp nhận những hành động biểu lộ tình yêu thương từ phía phụ huynh của trẻ gần như là không thể. Rất nhiều phụ huynh cảm thấy hết sức phiền muộn khi bị trẻ từ chối tình cảm yêu thương của mình. Nếu muốn truyền đạt thành công tình cảm đến trẻ, các bậc phụ huynh phải tìm cách giải quyết những cơn giận dữ của con. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra một môi trường thích hợp để trẻ có thể thoải mái chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình.

Việc nhận thức được những thất bại trong quá khứ có thể giúp bạn tạo ra môi trường thuận lợi này. Chẳng hạn, bạn có thể nói với con: “Trước đây, không phải lúc nào cha cũng lắng nghe con khi con giận dỗi với cha. Đôi khi, cha đã nói những điều làm con tổn thương và cha rất lấy làm tiếc về điều đó. Cha biết rằng mình đã không phải là một người cha hoàn hảo, và cha rất muốn khắc phục những sai lầm của mình. Nếu con sẵn lòng, cha muốn hai cha con ta sẽ có một cuộc trò chuyện thân mật để con có thể chân thành chia sẻ với cha những điều cha đã làm con tổn thương. Cha biết rằng những cuộc đối thoại này sẽ rất khó khăn cho cả hai, nhưng cha muốn con biết rằng cha luôn sẵn lòng lắng nghe”.

Những câu nói như thế sẽ tạo ra động lực để con bạn giải tỏa những cơn giận bị chất chứa lâu ngày và mang đến cho các bậc phụ huynh cơ hội để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp trẻ thậm chí không đáp lại những cố gắng này của bạn thì đó là lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của một chuyên gia tư vấn.

Việc dạy cho trẻ biết chấp nhận và giải quyết sự giận dữ theo cách tích cực là một trong những bài học vĩ đại nhất mà bạn có thể làm cho đời sống tình cảm, tinh thần của con. Con bạn sẽ học cách xử lý cơn giận bằng những trải nghiệm riêng tư của mình. Bài thơ dưới đây được con trai tôi viết tặng tôi khi cháu đang ở độ tuổi hai mươi. Nó đã củng cố niềm tin của tôi vào sức mạnh chữa lành của việc lắng nghe cơn giận của trẻ.

CHA

Cha đã lắng nghe trong đêm tối Đây là điều tuyệt vời cha đã cho con.

Những từ ngữ sắc như dao, những âm thanh bén như kéo đang luồn lách không khí

Những người khác đã bỏ đi Riêng cha vẫn ở lại Và lắng nghe.

Khi đôi cánh thiên thần trong con đã rách Cha đã chờ đợi

Để vá lành đôi cánh ấy

Và chúng ta vẫn tiếp tục Đến ngày hôm sau Đến bữa ăn kế tiếp Đến trận bom kế tiếp.

Và khi mọi người đều đã trốn chạy Cha vẫn ở bên con. Cha đã mạo hiểm để lắng nghe Trong đêm tối.

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 102 - 105)