Khẳng định rằng những cảm xúc giận dữ của trẻ là đúng đắn

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 99 - 101)

Bước thứ ba trong việc dạy cho con em bạn cách phản ứng tích cực với sự giận dữ là khẳng định sự đúng đắn cùng giá trị của cơn giận của cháu. Tôi biết có nhiều bậc cha mẹ sẽ nghĩ rằng: “Tôi không nghĩ rằng cơn giận của con mình là đúng. Thông thường, chúng đã hiểu lầm những hành động của tôi. Đôi khi, chúng còn không hiểu rõ vấn đề nữa kia. Làm sao tôi có thể khẳng định được cơn giận của nó là đúng đắn khi tôi không đồng ý với quan điểm của cháu chứ?”.

Đây cũng chính là thắc mắc của đa số phụ huynh và từ thắc mắc này, họ đã phạm một sai lầm hết sức nghiêm trọng là lẫn lộn giữa sự việc với cảm xúc. Kết quả là các bậc phụ huynh đã tranh cãi với con em họ về sự việc và bỏ qua cảm xúc của cháu. Cuộc tranh cãi càng trở nên gay gắt thì càng nhiều cảm xúc bị bỏ qua.

Tất nhiên, những cảm xúc bị bỏ qua không thể giúp các bậc phụ huynh và con em họ xây dựng một mối quan hệ tích cực, lành mạnh.

Khi nổi giận, bạn tin rằng có một điều sai trái nào đó đã xảy ra. Cứ cho quan điểm của bạn trong tình huống đó là không chính xác, nhưng nếu tôi không khẳng định quyền nổi giận của bạn là đúng đắn, bạn sẽ không cởi mở đối với quan điểm của tôi về vấn đề này.

Thông cảm là một trong những cách hữu hiệu nhất giúp chúng ta thừa nhận tính đúng đắn của người khác. Thông cảm là khi bạn đặt mình vào vị trí của người khác và cố gắng nhìn nhận sự việc theo quan điểm của họ. Đối với các bậc phụ huynh, điều này có nghĩa là họ phải nhớ lại những gì mình đã trải qua trước đây, những nỗi bất an, sự thay đổi trong tâm trạng, mong muốn tự lập và khám phá bản thân, tầm quan trọng của việc được bạn bè chấp nhận và nhu cầu được cha mẹ thấu hiểu, yêu thương. Nếu bậc phụ huynh nào không thông cảm với con em của mình thì sẽ gặp khó khăn trong việc công nhận những cảm xúc giận dữ của cháu là đúng đắn.

Curtis đã thể hiện sức mạnh của sự thông cảm khi anh kể với tôi: “Từ khi tôi biết thông cảm với người khác, cuộc sống của tôi diễn ra thật kỳ diệu. Trước đó, con gái tôi đã nổi giận với tôi vì tôi đã cấm cháu không được lái xe trong vòng một tuần. Cháu bảo tôi đã đối xử bất công với cháu và cháu sẽ xấu hổ với bạn bè về việc này. Nếu là trước đây, tôi sẽ cãi nhau với cháu và sẽ bảo cháu nên biết ơn tôi về điều này. Tất nhiên, điều đó sẽ khiến cháu càng tức giận hơn và cuộc chiến giữa hai cha con tôi sẽ càng trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, sau khi học cách thông cảm, tôi đã đặt mình vào vị trí của cháu và nhớ ra rằng việc không được lái xe trong vòng một tuần sẽ khó khăn thế nào.

Lúc bằng tuổi cháu bây giờ, tôi không có xe riêng. Nhưng tôi nhớ đến lần cha tôi đã giữ bằng lái xe của tôi trong vòng hai tuần và không cho phép tôi đụng đến chiếc xe của gia đình. Tôi nhớ rõ cảm giác của mình khi ấy. Thế rồi, tôi đã thử nhìn nhận sự việc qua quan điểm của cháu, và tôi có thể hiểu được cảm xúc của cháu lúc bấy giờ”.

Curtis nói tiếp: “Sau đó, tôi đã nói với cháu: ‘Con yêu! Cha hiểu lý do vì sao con nổi giận với cha. Và cha có thể hiểu là con sẽ cảm thấy khó xử thế nào khi không thể cho các bạn đi nhờ xe tới trường. Trong trường hợp con, cha cũng sẽ cảm thấy giận dữ và bối rối như con vậy. Nhưng bây giờ, con hãy lắng nghe quan điểm của cha, với tư cách là cha của con, về vấn đề này.

Chúng ta đã thỏa thuận với nhau rằng nếu con bị phạt vì chạy xe quá tốc độ, thì con sẽ không được phép lái xe trong vòng một tuần trong lần thứ nhất, và không được lái xe trong vòng hai tuần nếu vi phạm lần hai trong năm đó. Cả hai cha con ta đều đã thống nhất với nhau như vậy, phải không nào? Con biết đấy, cuộc sống luôn rất công bằng. Nó yêu cầu chúng ta phải trả giá cho những sai phạm của mình. Vì thế, nếu bây giờ cha không cảnh báo cho con biết những hậu quả đó, cha sẽ là một người cha tồi. Cha rất yêu con, và đó là lý do mà cha phải duy trì luật lệ dù cha vô cùng thông cảm với con lúc này’”.

“Tôi đã ôm nó một cái thật chặt và đi ra khỏi phòng.” - Curtis nói với giọng nghẹn ngào. - “Nhưng lần đầu tiên, tôi thấy mình đã đối mặt với cơn giận dữ của con gái một cách tích cực”.

Có thể những câu nói đầy thông cảm này sẽ không làm cho con bạn hết bối rối nhưng nó sẽ làm cho trẻ nguôi giận. Khi xác định được cơn giận dữ của con em mình và công nhận nó đúng đắn, chúng ta sẽ khiến cho cơn giận của trẻ được xoa dịu. Rõ ràng, bước hai - lắng nghe cảm xúc và cách bày tỏ của con, là một tiền đề quan trọng dẫn đến bước thứ ba - chấp nhận cơn giận của trẻ.

Một phần của tài liệu 5NGONNGUTINHYEU (Trang 99 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)