8. Cấu trúc luận văn
1.3.4. Các giai đoạn phát triển của tập thể và vấn đề xây dựng tập thể sư
phạm
Sự phát triển của TTSP từng giai đoạn khác nhau gắn liền với phương thức lãnh đạo phù hợp nhằm xây dựng và đưa tập thể tiến lên.
Tập thể là một tổ chức sống động và luôn phát triển. Kể từ lúc bắt đầu dựng nên một tập thể cho đến khi nó đạt tới một trình độ cao, tập thể trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau, với những thay đổi về chất trong nội bộ. Những giai đoạn đó như thế nào và phương thức lãnh đạo thích hợp với mỗi giai đoạn ấy là gì, đó là điều mà nhà lãnh đạo cần nắm được để có thể đưa tập thể của mình phát triển không ngừng. Thông thường, quá trình phát triển của tập thể, được chia thành bốn giai đoạn như sau:
1.3.4.1. Giai đoạn đầu tiên (hay giai đoạn ban đầu)
Đây là giai đoạn hình thành tập thể, có thể gọi là giai đoạn ra đời.
Tập thể mới hình thành, các thành viên mới biết nhau, chỉ có mối quan hệ bên ngoài, chưa phối hợp đồng bộ. Các cá nhân chỉ thực hiện những công việc được giao theo trách nhiệm của mình, chưa chủ động tham gia vào mọi hoạt động chung của tổ chức.
Nhà quản lý cần chú ý xây dựng các hệ thống tổ chức, thiết lập kỷ luật chặt chẽ, chú ý các biện pháp cương quyết, chú ý sự gương mẫu, có thể áp dụng phong cách độc đoán cần đặt ra những yêu cầu cụ thể, rõ ràng cho các thành viên và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện. sử dụng biện pháp mệnh lệnh, chỉ thị dựa vào nội quy, điều lệ của tổ chức, của cơ quan. Đồng thời, người lãnh đạo phải cố tìm ra cho được những phần tử tích cực để dựa vào họ, trao cho họ những công tác nhất định và bồi dưỡng, giúp đỡ họ thực hiện tốt các việc đó.
Trong tác phẩm “ Sửa đổi lối làm việc”, Bác hồ đã căn dặn: “Bất kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng) người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm việc trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành…”, “Nhóm trung kiên đó phải do công tác và tranh đấu trong đám quần chúng mà nảy nở ra, chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có được…”[25].
1.3.4.2. Giai đoạn phân hóa (hay cấu trúc hóa)
Trong giai đoạn này, người lãnh đạo đã xây đựng được bộ máy tổ chức bao gồm cơ cấu tổ chức chính thức và các đoàn thể. Các thành viên trong tập thể sau một thời gian đã bắt đầu quen biết nhau, hợp tác với nhau nhưng ở mức độ chưa cao.
Tập thể bắt đầu phân hóa, các thành viên trong tập thể được phân ra theo các đối tượng: tiên tiến, trung bình và chậm tiến. Những phần tử tích cực hình thành đội ngũ cốt cán xung quanh người lãnh đạo. Một số khác giữ thái độ “trung bình chủ nghĩa”, họ thực hiện nhiệm vụ một cách thụ động, không sai sót, yếu kém nhưng cũng không nhiệt tình, tích cực. Một số đối tượng khác lại tỏ ra dửng dưng, thậm chí tiêu cực; không có sự thống nhất và tự giác trong hoạt động, chưa thực sự đoàn kết nhất trí; tính tích cực, phối hợp trong công việc chưa cao.
Như vậy, ở giai đoạn hai diễn ra quá trình phân hóa về tổ chức – xuất hiện các nhóm người tích cực, trung bình và chậm tiến. Trong giai đoạn này người lãnh đạo đóng vai trò vừa là cố vấn vừa là người tổ chức trực tiếp. Trong giai đoạn này, bắt đầu xuất hiện các nhóm không chính thức. Nhà quản lý phải có những phương pháp lãnh đạo linh hoạt, mềm dẻo đối với từng lực lượng trong tập thể.
Phương thức lãnh đạo của giai đoạn này là phát huy ảnh hưởng của các thành viên tích cực để lôi kéo các thành viên trung bình và tiêu cực. Người lãnh đạo tìm cách động viên bồi dưỡng, gần gũi lôi cuốn dần các thành viên thụ động; ủng hộ các thành viên tích cực, các tổ chức chính thức, chú ý phát triển đội ngũ cốt cán, giúp họ hăng hái tham gia vào các hoạt động chung. Đồng thời với việc sử dụng nhóm tích cực, hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, cần phải đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế tác dụng của những người tiêu cực và lôi cuốn những người trung bình đi theo chiều hướng tích cực. với
toàn bộ tập thể nói chung vẫn dùng biện pháp nêu yêu cầu là chủ yếu; có sự bàn bạc tập thể với đội ngũ cán bộ cốt cán, các phần tử tích cực để tận dụng được trí tuệ và sức mạnh của họ.
1.3.4.3. Giai đoạn tập thể phát triển
Đây là giai đoạn mà đa số thành viên trong tập thể có thái độ tích cực đối với nhiệm vụ. Các thành viên thụ động và chống đối đã nhích dần lại những thành viên tích cực. Mọi thành viên trong tập thể đã có sự nhất trí cao trong tư tưởng cũng như hành động.
Tập thể xây dựng được bầu không khí tốt đẹp, có khả năng tự quản, tự điều chỉnh. Dư luận tập thể lành mạnh phát huy được tác dụng điều chỉnh thái độ, hành vi các thành viên.
Các thành viên trong tập thể đã có những yêu cầu lẫn nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ. Bản thân mỗi thành viên tự đặt ra được cho mình những yêu cầu phát triển riêng. Đội ngũ cán bộ chủ chốt đã vững mạnh, hoạt động đồng bộ và có khả năng tập hợp các thành viên.
Đến giai đoạn này, người lãnh đạo phải kết hợp hài hòa hai phong cách lãnh đạo độc đoán và dân chủ.
Người lãnh đạo là nhân vật cố vấn, tham mưu cho đội ngũ cán bộ chủ chốt tổ chức và thực hiện các quyết định thông qua các tổ chức chính thức của tập thể. Người lãnh đạo cần tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên tham gia đóng góp ý kiến trước khi ra quyết định về các vấn đề. Các hoạt động tự quản, nâng cao trình độ chất lượng của hoạt động trong tổ chức cần được mở rộng.
1.3.4.4. Giai đoạn tập thể phát triển cao
Giai đoạn phát triển thứ tư của tập thể còn gọi là giai đoạn tự quản hay tổng hợp bậc cao. Đây là lúc mà mọi thành viên đã ý thức được đầy đủ và sâu sắc mục đích của tập thể và chuyển thành nhu cầu bên trong của bản thân. Các thành viên có sự thống nhất lợi ích của cá nhân với lợi ích của tập thể.
Trong tập thể có sự nhất trí cao về quan điểm, tư tưởng; có sự tương trợ phổ biến không chỉ trong công tác mà cả trong đời sống của cá nhân. Tập thể đề ra các tiêu chuẩn đạo đức cao, tiên tiến, mọi người biết đấu tranh giải quyết hợp lý những va chạm trong công tác và trong sinh hoạt trên tinh thần đoàn kết, xây dựng lẫn nhau.
Ở giai đoạn này dư luận tập thể luôn đúng đắn và mạnh mẽ, truyền thống của tập thể đã hình thành và luôn được củng cố. Tập thể hiểu rõ từng người và đề ra yêu cầu phù hợp với từng cá nhân.
Trong giai đoạn này, phong cách lãnh đạo phải thật sự tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển của tập thể ở trình độ cao.
Người lãnh đạo phải chuyển sang phong cách dân chủ trong quản lý. Các quyền hạn pháp lý được sử dụng một cách hạn chế, thay vào đó là tinh thần tự giác, tinh thần trách nhiệm của các thành viên.