hiện cùng lúc với việc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp bên tặng cho yêu cầu hoặc là hủy bỏ hợp đồng, hoặc là bên được tặng cho phải tiếp tục thực hiện điều kiện tặng cho. Lúc này cơ quan có thẩm quyền phải xác định một biện pháp duy nhất được áp dụng. Biện pháp buộc tiếp tục thực hiện điều kiện tặng cho là quyền của bên tặng cho nên việc có áp dụng hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí của bên tặng cho. Nếu bên tặng cho thể hiện rõ mong muốn không tiếp tục thực hiện hợp đồng mà áp dụng cơ chế khác có thể được áp dụng thì cơ quan có thẩm quyền nên theo hướng không buộc tiếp tục thực hiện34. Tuy nhiên, trong trường hợp bên tặng cho thể hiện ý muốn không rõ ràng (buộc bên được tặng cho tiếp tục thực hiện điều kiện cũng được mà hủy bỏ hợp đồng để đòi lại tài sản tặng cho cũng được) thì vấn đề lựa chọn biện pháp áp dụng không thật sự đơn giản. Theo quan điểm của tác giả thì cần xem xét thêm ý chí của bên được tặng cho. Nếu bên được tặng cho thể hiện rõ mong muốn được tiếp tục thực hiện điều kiện tặng cho thì cơ quan có thẩm quyền nên áp dụng biện pháp buộc tiếp tục thực hiện điều kiện tặng cho để mục đích ban đầu khi xác lập hợp đồng của hai bên được thực hiện. Ngược lại, nếu bên được tặng cho từ chối thực hiện điều kiện và chấp nhận trả lại tài sản tặng cho thì hủy bỏ hợp đồng nên được áp dụng.
Như vậy, biện pháp buộc bên được tặng cho tiếp tục thực hiện điều kiện cần được ưu tiên áp dụng trừ những người hợp ngoại lệ đã được phân tích. Biện pháp yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng cùng lúc với biện pháp buộc tiếp tục thực hiện điều kiện tặng cho hoặc áp dụng cùng lúc với biện pháp đòi lại tài sản tặng cho.