Tác giả đồng tình với quan điểm là quyền lợi của người thứ ba ngay tình cần được bảo vệ dù hợp đồng tặng cho có điều kiện bị hủy bỏ. Bởi lẽ, bảo vệ tuyệt đối bên tặng cho sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba ngay tình, việc bảo vệ này trái với nguyên tắc trong pháp luật dân sự là phân chia giữa “ngay tình” và “không ngay tình”. Quan điểm thứ nhất cho rằng bên được tặng cho sẽ lợi dụng giao dịch với người thứ ba để trốn tránh việc thực hiện điều kiện. Tuy nhiên, nếu áp dụng nguyên tắc “ngay tình” thì việc làm cố tình này của bên được tặng cho và người thứ ba được xác định là “không ngay tình” và sẽ không được pháp luật bảo vệ. Khi người thứ ba ngay tình được bảo vệ, bên tặng cho không có quyền đòi lại tài sản tặng cho từ phía người thứ ba nhưng có thể yêu cầu bên được tặng cho phải hoàn trả bằng giá trị. Quyền đòi lại tài sản của bên tặng cho là hệ quả của việc hủy bỏ hợp đồng tặng cho có điều kiện. Điều 425 BLDS năm 2015 có quy định về hậu quả của hủy bỏ hợp đồng là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật, trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả. Đến nay, pháp luật dân sự vẫn chưa có một giải thích cụ thể về trường hợp nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả lại bằng tiền. Có quan điểm cho rằng “việc hoàn trả bằng tiền được thực hiện trong trường hợp tài sản đã được giao cho người thứ ba mà không thể lấy lại được hoặc bên bị thiệt hại không đòi lại vật do không thể trả lại vật hay chi phí hoàn trả quá lớn so với giá trị vật”63. Tác giả đồng tình với cách hiểu này. Khi bảo vệ người thứ ba ngay tình thì bên tặng cho được bảo vệ quyền lợi bằng cách yêu cầu bên được tặng cho hoàn trả giá trị của tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Mặc dù khi không được đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, bên tặng cho được quyền yêu cầu bên được tặng cho hoàn trả giá trị tài sản tặng cho và bồi thường thiệt hại nhưng vấn đề thi hành án trên thực tiễn rất là khó khăn, đặc biệt trong trường hợp bên được tặng cho không còn khả năng thi hành án. Trong khi đó, thực trạng hiện nay là sau khi bên tặng cho thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho xong thì điều kiện của hợp đồng cũng bị “mất dấu”64. Đối với những tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì việc nhận biết nguồn gốc của tài sản từ việc tặng cho có điều kiện gần như là không thể. Đối với tài sản phải
63 Nguyễn Xuân Quang, Lê Nết, Nguyễn Hồ Bích Hằng (2007), Luật dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc
gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 385.