định trong giấy tặng giữ. Tuy nhiên, theo Điều 871 Dân luật Bắc Kỳ thì việc bãi bỏ này phải được ghi nhận trong giấy tặng giữ, nếu không ghi nhận trong giấy tặng giữ thì không thể bãi bỏ. Ngược lại, khoản 3 Điều 978 Dân luật Trung Kỳ lại có quy định việc tặng giữ bị bãi bỏ nếu bên thụ tặng không thi hành điều kiện là căn cứ theo quy định của luật mà không cần các bên ghi nhận trong giấy tặng giữ. Đến BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều không ghi nhận rõ ràng hệ quả đối với hiệu lực của hợp đồng tặng cho có điều kiện trong trường hợp sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ.
Nghiên cứu pháp luật một số quốc gia, tác giả nhận thấy rằng hậu quả pháp lý của việc bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng tặng cho có điều kiện được quy định khá rõ ràng. Cụ thể là các quốc gia ghi nhận minh thị hợp đồng tặng cho có điều kiện bị hủy bỏ nếu bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ là điều kiện tặng cho. Theo quy định tại Điều 953 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp (viết tắt là BLDS Pháp) “Việc tặng cho chỉ bị huỷ bỏ trong trường hợp các điều kiện kèm theo việc tặng cho không được thực hiện, khi người được tặng cho vô ơn
hoặc khi người tặng cho có con”. Tương tự, Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái
Lan (viết tắt là Bộ luật DS&TM Thái Lan) quy định người tặng cho có thể áp dụng quyền huỷ bỏ hợp đồng khi người nhận không thực hiện nghĩa vụ, cụ thể tại Điều 528 quy định: “Nếu việc tặng cho có kèm theo một trách nhiệm và người nhận không thực hiện trách nhiệm đó, thì người cho có thể, theo những điều kiện về quyền huỷ bỏ trong trường hợp là các hợp đồng song phương, yêu cầu hoàn trả vật tặng cho theo quy định về hoàn trả phần làm giàu không chính đang trong chừng mực mà vật tặng cho phải được sử dụng để thực hiện trách nhiệm trên”. Hướng giải quyết cho phép huỷ bỏ hợp đồng tặng cho có điều kiện cũng được quy định tại Điều 576 Bộ luật Dân sự Vương quốc Campuchia:“Trong trường hợp bên nhận cho tặng không thực hiện trách nhiệm của mình, người cho tặng trong hợp đồng cho tặng có điều kiện có thể huỷ bỏ hợp đồng cho tặng có điều kiện theo quy định huỷ
bỏ hợp đồng”. Hướng quy định rõ ràng hợp đồng tặng cho có điều kiện sẽ bị hủy bỏ
nếu bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ như trên của các quốc gia là kinh nghiệm mà BLDS năm 2015 nên tham khảo.
Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy cách quy định như hiện nay của BLDS dẫn đến tranh luận về quyền đòi lại tài sản tặng cho và yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên tặng cho là xuất phát từ hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện vô
hiệu, hay bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, hay bị hủy bỏ hay vì nguyên do giải trừ khế ước40. Theo tác giả, về bản chất thì khi xác lập hợp đồng tặng cho có điều kiện các bên đã ngầm thỏa thuận với nhau về điều kiện hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, do là cách hiểu ngầm định nên thực tiễn có sự nhầm lẫn xác định tính chất của điều kiện tặng cho là điều kiện phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Đồng thời, vì các bên thường không thỏa thuận rõ ràng về việc “hợp đồng bị hủy bỏ nếu bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho” nên cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ hủy bỏ hợp đồng theo Điều 423 BLDS năm 201541.
Kiến nghị thứ nhất
Để có cơ sở pháp lý rõ ràng áp dụng trong thực tế, tác giả kiến nghị nên ghi nhận rõ tại khoản 3 Điều 462 BLDS năm 2015 rằng bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho là căn cứ để bên tặng cho huỷ bỏ hợp đồng, đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc sửa đổi như trên hoàn toàn tương thích với quy định về căn cứ huỷ bỏ hợp đồng tại điểm c khoản 1 Điều 423 BLDS năm 2015. Cụ thể bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho là căn cứ để huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp khác do luật quy định.
Tác giả kiến nghị Quốc hội nên sửa đổi khoản 3 Điều 462 BLDS năm 2015 theo hướng: “3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
2.2. Xác định hậu quả pháp lý dựa trên mức độ bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ là điều kiện tặng cho không thực hiện nghĩa vụ là điều kiện tặng cho
Như tác giả đã phân tích, sau khi tặng cho thì việc bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho là căn cứ để bên tặng cho yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, đòi lại tài sản tặng cho. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng xác định bên được tặng cho đã thực hiện điều kiện hay chưa và đã thực hiện hay không thực hiện điều kiện ở mức độ nào. Bởi lẽ, điều kiện trong hợp đồng tặng cho có điều kiện thường chỉ được nêu chung chung, khó xác