hiệu với căn cứ là anh K, chị T vi phạm điều kiện tặng cho. Như vậy, Tòa án đã ngầm định rằng điều kiện trong hợp đồng tặng cho là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng, khi điều kiện chưa được thực hiện thì hợp đồng vô hiệu và buộc bên được tặng cho phải trả lại tài sản tặng cho.
Tại ví dụ 02, cả hai cấp xét xử đều nhận định bên được tặng cho đã vi phạm
điều kiện trong hợp đồng tặng cho nên bên tặng cho được đòi lại tài sản. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại không thống nhất trong việc lựa chọn cơ chế pháp lý để buộc bên được tặng cho trả lại tài sản tặng cho. Cụ thể Tòa án sơ thẩm nhận định hợp đồng vô hiệu, Tòa án phúc thẩm lại nhận định việc không thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho không phải là căn cứ dẫn đến hợp đồng vô hiệu mà đây là căn cứ để huỷ bỏ hợp đồng tặng cho có điều kiện.
Theo quan điểm của tác giả, việc bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ phải là căn cứ để hủy bỏ hợp đồng tặng cho. Bởi lẽ, lý do dẫn đến vô hiệu hợp đồng tồn tại ở thời điểm giao kết hợp đồng còn lý do của việc huỷ bỏ hợp đồng xuất hiện sau thời điểm này, tức là tại thời điểm thực hiện hợp đồng. Sau khi tặng cho thì hợp đồng tặng cho có điều kiện đã có hiệu lực pháp luật, việc không thực hiện nghĩa vụ của bên được tặng cho xuất hiện trong giai đoạn thực hiện hợp đồng và đây không phải là căn cứ để vô hiệu hợp đồng theo Điều 117 và Điều 122 BLDS năm 2015. Mặt khác, nếu xem điều kiện trong hợp đồng tặng cho là điều kiện phát sinh hiệu lực theo quy định tại Điều 120 BLDS năm 2015 thì cũng không hợp lý. Việc điều kiện không xảy ra là do bên được tặng cho cố ý tác động, tức bên được tặng cho cố ý không thực hiện làm điều kiện không xảy ra, áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 120 BLDS năm 2015 thì vẫn phải xem là điều kiện đã xảy ra và hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, đây là trường hợp hủy bỏ hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật. Điều này phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 423 BLDS năm 2015, theo đó bên tặng cho có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên được tặng cho vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, thực tiễn có quan điểm cho rằng bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho chưa phải là điều kiện huỷ bỏ mà các bên thoả thuận khi xác lập hợp đồng. Xuất phát từ việc các bên chỉ thoả thuận về việc bên được tặng cho phải thực hiện điều kiện mà không nói gì đến hậu quả pháp lý của điều kiện này. Vụ việc sau đây thể hiện vướng mắc này.
Ví dụ 03:Vụ việc tại Bản án số 101/2019/DS-PT ngày 19/9/2019 của TAND tỉnh Bình Phước37.
Nội dung: Năm 2006 cụ Phạm C lập “Giấy cho đất và nhà” cho con là ông Phạm Văn L với điều kiện là ông L phải: “Nuôi cha và lo thuốc thang khi cha đau ốm; khi cha chết thì phải phối hợp với anh, chị, em lo ma chay và mồ mả cho cha mình, hàng năm phải lo giỗ chạp ông bà gồm: giỗ mẹ, giỗ bà nội, giỗ ông nội, giỗ bác hai, tế xuân và các đại lễ của Phật như: Rằm tháng tư, rằm tháng bảy; có trách nhiệm nạp các khoản cho Nhà nước theo quy định có liên quan…”. Năm 2014 cụ C và ông L lập hợp đồng tặng cho có điều kiện như trên, thực hiện công chứng theo quy định của pháp luật và ông L được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2018, cụ C cho rằng ông L đã không thực hiện nghĩa vụ sau khi nhận tài sản tặng cho như không làm đám giỗ, đòi phá dỡ bàn thờ tổ tiên, xúc phạm cụ C nên cụ C khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy một phần hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông L và cụ C.
Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định ông L vi phạm điều kiện tặng cho nên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy một phần hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông L và cụ C.
Trong khi đó, Tòa án cấp phúc thẩm lại nhận định: “Nội dung trong “Giấy cho đất và nhà ở” không có nội dung thỏa thuận về việc nếu ông L không thực hiện nghĩa vụ đối với ông Phạm C cụ thể như thế nào thì phải chịu hậu quả như: Nếu vi phạm các nghĩa vụ hay vi phạm một trong các nghĩa vụ ghi trong văn bản. Và nếu có vi phạm thì hậu quả pháp lý sẽ ra sao, cụ C có quyền đòi lại tài sản hay là không? Do đó, cần xác định đây chỉ là văn bản tặng cho tài sản có điều kiện nhưng không được rõ ràng, không bị ràng buộc về hậu quả pháp lý mà chỉ có ý nghĩa ràng buộc về mặt niềm tin, bổn phận của con cái với cha mẹ, ông bà và đạo đức xã hội mà thôi”.
Nhận xét: Quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm là bên tặng cho chỉ có quyền đòi lại tài sản nếu trong văn bản tặng cho có thỏa thuận rõ về hậu quả pháp lý là hợp đồng bị huỷ bỏ nếu bên được tặng cho không thực hiện điều kiện, cũng như phải thỏa thuận rõ về mức độ không thực hiện điều kiện tặng cho. Quan điểm của Toà án cấp phúc thẩm dường như là áp dụng Điều 120 BLDS năm 2015 về giao