đăng ký quyền sở hữu thì pháp luật cũng không có quy định phải ghi nhận điều kiện tặng cho vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hay bất kỳ hình thức nào để ghi nhận thông tin về điều kiện tặng cho nhằm công khai, thông báo cho người thứ ba được biết. Chính vì vậy, cá nhân đi giao dịch và thậm chí là cả các cơ quan chức năng cũng không có khả năng để kiểm tra tài sản có nguồn gốc từ hợp đồng tặng cho có điều kiện, và dù biết thì cũng không có cơ sở và trách nhiệm phải kiểm tra việc tuân thủ thực hiện điều kiện tặng cho khi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực các giao dịch định đoạt tài sản sau khi tài sản tặng cho đã hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu65.
Trong giấy chứng nhận không có thông tin để hạn chế chuyển nhượng thì sau khi hợp đồng hoàn thành, bên được tặng cho có thể đem tài sản tặng cho chuyển nhượng ngay mà không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tặng cho. Đây là hạn chế của pháp luật hiện hành cần được khắc phục66. Có tác giả đã đưa ra kiến nghị rằng cần phải có những quy định về các thủ tục cần thiết trong việc đăng ký quyền sở hữu tài sản khi sang tên, trước bạ đối với tài sản trong hợp đồng tặng cho có điều kiện, đồng thời pháp luật cũng cần quy định những hạn chế nhất định đối với bên được tặng cho trong thời gian chưa hoàn thành điều kiện của hợp đồng67. Quan điểm này giúp kiểm soát việc thực hiện điều kiện của bên được tặng cho, hạn chế rủi ro cho bên tặng cho khi tài sản được chuyển giao cho người thứ ba mà điều kiện tặng cho chưa hoàn thành. Tuy nhiên, theo tác giả vấn đề xác định thời gian hạn chế việc định đoạt tài sản tặng cho cần được làm rõ. Hiện nay thời hạn để bên được tặng cho thực hiện điều kiện tặng cho là chưa rõ ràng. Xem xét những điều kiện phổ biến trong thực tế nhận thấy có những nghĩa vụ không thể xác định được thời gian hoàn thành, chẳng hạn như điều kiện thờ cúng sau khi bên tặng cho chết. Vì vậy, nếu hạn chế định đoạt tài sản trong toàn bộ thời gian thực hiện điều kiện thì chưa hợp lý, kiềm chế giao dịch trong dân sự, đưa tài sản tặng cho vào trạng thái gần như không thể giao dịch được. Chính vì vậy, để biện pháp này được hoàn thiện hơn thì theo tác giả pháp luật cần nghiên cứu về thời hạn thực hiện điều kiện tặng cho hoặc thời gian hạn chế quyền định đoạt tài sản tặng cho một cách phù hợp với đời sống thực tiễn.
65 Bùi Tiến Vinh, “Có được ra điều kiện kèm theo khi tặng nhà”, https://vnexpress.net/co-duoc-ra-dieu-kien-kem-theo-khi-tang-nha-3087722.html, truy cập ngày 18/5/2021. kem-theo-khi-tang-nha-3087722.html, truy cập ngày 18/5/2021.