ngược đãi bố mẹ, nhưng việc mẹ con mâu thuẫn là có, thể hiện việc ông D chết bà H1 không cho anh H2 đứng ra chịu tang, lo đám tang cho ông D và từ đó anh H2 cũng không hỏi han đến bà H1. Điều này đã được hai bên thừa nhận tại phiên tòa, từ đó xác định anh H2 đã vi phạm một phần nghĩa vụ với bà H1 theo thỏa thuận của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 462 BLDS năm 2015. Vì vậy khởi kiện của bà H1 là có căn cứ. Bà H1 không có chỗ ở nào khác, để đảm bảo quyền lợi và ổn định cuộc sống cho bà H1, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà H1 nhưng không cần phải hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, buộc anh H2, chị Th phải trích chia cho bà H1 92 m2 là có căn cứ. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của anh H2 và chị Th.
Nhận xét: Phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm đặt ra nhiều vấn đề cần phải được lý giải như:
Thứ nhất, Tòa án đã nhận định bên được tặng cho không thực hiện một phần điều kiện nhưng lại không hủy bỏ hợp đồng tặng cho. Điều này dường như thể hiện Tòa án theo hướng bên được tặng cho phải không thực hiện toàn bộ điều kiện tặng cho thì hợp đồng tặng cho có điều kiện mới bị hủy bỏ.
Thứ hai, mặc dù không hủy bỏ hợp đồng nhưng Tòa án lại buộc bên được tặng cho trích 92 m2 đất để bà H1 ổn định cuộc sống. Tác giả chưa tìm thấy cơ sở pháp lý cho hướng xử lý này của Tòa án, cơ sở để Tòa án nhận định trích 92 m2 đất mà không phải là một con số khác là gì. Mặt khác, sau khi trích cho bà H1 92 m2
đất thì vợ chồng anh H2 có còn phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà H1 nữa hay không, bởi lẽ lúc này hợp đồng tặng cho chưa bị hủy bỏ. Phải chăng Tòa án đang tự quyết định thay đổi điều kiện trong hợp đồng tặng cho, thể hiện là chuyển nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng thành nghĩa vụ dành cho bên tặng cho một diện tích đất để sinh sống đến khi qua đời.
Theo quan điểm của tác giả, mặc dù không có cơ sở pháp lý nhưng hướng giải quyết của Tòa rất đáng được lưu tâm. Vợ chồng anh H2 đã đầu tư, xây dựng trên đất và thực hiện điều kiện được một khoảng thời gian dài. Trong trường hợp này, không có căn cứ xác định vợ chồng anh H2 hoàn toàn cố tình không thực hiện điều kiện mà vì có mâu thuẫn xuất phát từ cả hai phía. Việc phát sinh mâu thuẫn nhỏ giữa mẹ, con trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi và vợ chồng anh H2 không
ngược đãi hay có lỗi trầm trọng để phải hủy bỏ hợp đồng tặng cho và trả lại tài sản. Tòa án không buộc vợ chồng anh H2 trả lại tài sản tặng cho mà thay thế bằng việc trích một phần quyền sử dụng đất cho bà H1 sinh sống là hướng giải quyết hài hòa.
Qua thực tiễn xét xử có thể thấy, dù bên được tặng cho mới chỉ thực hiện được một phần điều kiện tặng cho, nhưng Tòa án không tuyên hủy bỏ hợp đồng để buộc bên được tặng cho trả lại toàn bộ tài sản cho bên tặng cho. Về hủy bỏ hợp đồng, có tác giả đã đưa ra quan điểm xem xét đến lợi ích mà bên có quyền đã được nhận là “nếu sự thi hành một phần nghĩa vụ không có lợi gì cho trái chủ cả thì cũng giống như trường hợp toàn bộ nghĩa vụ không được thi hành, do đó trái chủ có quyền hủy hợp đồng. Nếu sự thi hành một phần nghĩa vụ cũng đem lại lợi ích đáng kể cho trái chủ thì người này không có quyền hủy bỏ hợp đồng mà chỉ có quyền đòi trái hộ phải tiếp tục thi hành và đòi bồi thường thiệt hại”49. Tác giả cho rằng việc xem xét đến lợi ích mà bên tặng cho nhận được là cần thiết khi giải quyết hậu quả pháp lý của việc bên được tặng cho đã thực hiện được một phần điều kiện tặng cho. Do đó, khi giải quyết hậu quả pháp lý của việc bên được tặng cho không thực hiện một phần điều kiện tặng cho thì cần xem xét, đánh giá toàn diện vấn đề. Cụ thể nếu bên được tặng cho đã thực hiện được phần lớn điều kiện tặng cho và đem lại lợi ích đáng kể cho bên tặng cho, đồng thời lý do không tiếp tục thực hiện điều kiện là vì hoàn cảnh thực tế khiến việc thực hiện trở nên đặc biệt khó khăn, bên được tặng cho không có lỗi thì nên xử lý theo hướng chỉ huỷ bỏ một phần hợp đồng tặng cho, bên được tặng cho được công nhận sở hữu một phần tài sản tương ứng phần điều kiện đã được thực hiện. Về nguyên tắc khi hợp đồng được hủy bỏ một phần thì phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý như bất kỳ hợp đồng có hiệu lực nào nên các bên phải thực hiện50. Khi đó, vấn đề được đặt ra là hợp đồng tặng cho bị hủy bỏ một phần, bên được tặng cho chỉ phải trả lại một phần tài sản và vẫn là chủ sở hữu phần tài sản tặng cho còn lại thì có còn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ thực hiện điều kiện tặng cho nữa hay không. Các bản án tác giả tìm hiểu đều không đề cập đến vấn đề này, nhưng phán quyết dường như được hiểu theo hướng là hợp đồng bị hủy bỏ một phần và nghĩa vụ thực hiện điều kiện tặng cho sẽ chấm dứt.