Khái niệm về du lịch

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh điểm đến của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới: Trường hợp tỉnh Hải Dương. (Trang 47 - 49)

Du lịch là một khái niệm vừa mang tính bao quát, vừa mang tính trừu tượng tùy vào góc độ xem xét, nhìn nhận khác nhau mà các tác giả bàn luận trong các công trình nghiên cứu của mình. Đến nay, có rất nhiều định nghĩa, khái niệm về du lịch mang những nét đặc trưng khác nhau và ngày được hoàn thiện hơn.

W. Hunziker và Kraff (1941) cho rằng du lịch là “Tổng hợp các hiện tượng và mối quan hệ nảy sinh từ việc di chuyển và dừng lại của con người tại nơi không phải là nơi cư trú thường xuyên của họ, họ không ở lại đó vĩnh viễn và không hề có bất kỳ hoạt động nào để có thu nhập tại nơi đến” [52, tr.31].

Theo học giả I.I Pirogionic (1985) thì “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan với sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức văn hóa hoặc thể thao hoặc kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế - văn hóa” [9, tr.2].

Martin Mowforth, Ian Munt (2001) quan niệm “Du lịch là một hiện tượng kinh tế, xã hội được lặp đi lặp lại đều đặn, chính là sản xuất và trao đổi dịch vụ hàng hóa của các đơn vị kinh tế riêng biệt, độc lập; đó là các tổ chức xí nghiệp với cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên môn nhằm bảo đảm sự đi lại, trong quá trình phục vụ khách bao gồm: Du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, cư dân sở tại và chính quyền nơi đón khách du lịch” [108, tr.59].

Hoặc “Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp (DN) nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, thăm quan, giải trí, tìm hiểu

và các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và bản thân doanh nghiệp” [15] . Liên đoàn quốc tế các Tổ chức lữ hành chính thức (IUOTO) cho rằng “Du lịch là hành động du hành đến một nơi khác với địa điểm cư trú thường xuyên của mình nhằm mục đích không phải để làm ăn, tức không phải để làm một nghề hay một việc kiếm tiền sinh sống” [82] .

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (World Tourist Organization): “Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền” [109].

Ở Việt Nam, Luật Du lịch (2017) xác định “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.

Với tư cách là ngành kinh tế, “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mang nội dung dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao” (Pháp lệnh Du lịch, 2/1999). Khái niệm này cũng đã được khẳng định tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, theo đó một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là “Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao”.

Một số đặc trưng chủ yếu của du lịch bao gồm:

- Du lịch là ngành kinh tế có định hướng tài nguyên, nói cách khác, du lịch

không thể tồn tại và phát triển nếu không dựa trên khai thác tài nguyên du lịch (tự nhiên và văn hóa). Tài nguyên du lịch là yếu tố nền tảng để xây dựng sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

- Du lịch là một ngành kinh tế mang tính đa ngành: Trong thực tế hoạt động

du lịch phát triển phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều ngành như giao thông vận tải (vận chuyển khách); ngoại giao, công an, hải quan (thủ tục xuất nhập cảnh); bưu chính viễn thông (dịch vụ thông tin liên lạc cho khách); tài chính - ngân hàng (dịch vụ tiền tệ cho khách); tài nguyên - môi trường, văn hoá (phát triển các SPDL); cũng do đặc trưng này mà hoạt động phát triển du lịch sẽ có quan hệ tương tác với các ngành kinh tế khác.

- Hoạt động du lịch mang tính chất đa mục tiêu: nó biểu hiện ở lợi ích đa dạng

về bảo tồn tự nhiên, cảnh quan văn hoá - lịch sử, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, giao lưu văn hoá, kinh tế...

- Tính đa thành phần: các đối tượng tham gia trong hoạt động du lịch thể hiện

ở thành phần khách du lịch, thành phần người lao động trong lĩnh vực du lịch và cộng đồng dân cư ở các điểm du lịch...

- Hoạt động du lịch mang tính chất mùa vụ: hiện tượng có hoạt động du lịch

lặp lại khá đều đặn vào một số thời điểm trong năm được gọi là mùa vụ hay thời vụ du lịch. Tính mùa vụ thể hiện rõ nhất đối với loại hình du lịch biển, du lịch nghỉ cuối tuần, du lịch thể thao theo mùa...

- Hoạt động phát triển du lịch mang tính chất liên vùng: thể hiện qua các

tuyến du lịch trong một quốc gia hay du lịch giữa các nước trên thế giới. Trong thực tế hoạt động du lịch không bị bó hẹp trong không gian lãnh thổ hành chính cụ thể.

Từ những đặc trưng cơ bản trên của du lịch có thể thấy mặc dù chưa thống nhất về quan niệm, nhưng đa số đều cho rằng du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực, lấy tài nguyên du lịch làm cơ sở tiền đề tạo sản phẩm du lịch. Vì vậy, mức độ phát triển du lịch phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản là tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, SPDL, nguồn nhân lực du lịch, môi trường du lịch và chính sách phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh điểm đến của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới: Trường hợp tỉnh Hải Dương. (Trang 47 - 49)