II. NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ
a) Bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, việc tăng cường pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền chính là nội dung và điều kiện của quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là phương hướng chủ yếu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực tác động của nhà nước tới việc mở rộng quyền dân chủ của nhân dân. Những quan điểm và nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam đã được thiết lập trong Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa VII năm 1995. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đưa ra chủ trương: “Tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”1.
Mặc dù nhà nước pháp quyền mà Đảng ta chủ trương xây dựng vẫn kế thừa những giá trị phổ biến của các hình thức nhà nước pháp quyền trước đây, trước hết là của các hình thức nhà nước pháp quyền tư sản hiện đại, nhưng đó không phải là nhà nước pháp quyền tư sản, mà là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, “là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”2. Điều này cũng đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi): “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”3.