II. NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ
a) Khái niệm nhà nước pháp quyền
Khái niệm “nhà nước pháp quyền” và “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là những vấn đề khá mới mẻ trong hệ thống lý luận triết học – chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa trong những năm gần đây. Chính vì vậy, việc làm rõ nội hàm của khái niệm nhà nước pháp quyền và xác định đặc trưng của nhà nước pháp quyền; cùng với việc chỉ ra sự khác nhau giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền tư sản… là những vấn đề cấp bách cả về lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử tư tưởng về nhà nước pháp quyền và thực tiễn tổ chức nhà nước pháp quyền tư sản ở các nước tư bản phương Tây, có thể nhận định tổng quát: Nhà nước pháp quyền là một hình thức tổ chức nhà nước đặc biệt mà ở đó có sự ngự trị cao nhất của pháp luật, với nội dung thực hiện quyền lực của nhân dân. Như vậy:
- Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước, một hình thái nhà nước độc lập, mà là một phương thức, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước.
- Nhà nước pháp quyền là một hình thức tổ chức nhà nước có tính đặc thù. Hình thức này có thể thuộc về kiểu nhà nước tư sản mà cũng có thể thuộc kiểu nhà nước chuyên chính vô sản - nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nếu xét về nội dung và thực chất, thì đó là hình thức tổ chức nhà nước thích hợp nhất với bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa, bởi bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dựa trên nền tảng liên minh công nhân với nông dân và đội ngũ trí thức; là công cụ chủ yếu để nhân dân lao động thực hiện quyền lực của mình trong việc quản lý mọi hoạt động xã hội theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Nhà nước pháp quyền có những đặc điểm cơ bản sau đây:
- Thứ nhất, trong nhà nước pháp quyền, pháp luật giữ địa vị tối cao.
+ Với hình thức tổ chức nhà nước pháp quyền, pháp luật được đề cao và là công cụ chủ yếu để quản lý mọi hoạt động của xã hội và công dân. Ở địa vị cao nhất, tuyệt đối, pháp luật vượt qua mọi quyền lực của các tổ chức chính trị, xã hội và mọi công dân trong xã hội đó. Ngay cả hoạt động của
các cơ quan thuộc hệ thống tổ chức nhà nước cũng phải tuân theo pháp luật, mặc dù chính nó là những cơ quan công bố, ban hành, thực thi và kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Như vậy, với hình thức tổ chức xã hội theo mô hình nhà nước pháp quyền thì pháp luật phải trở thành tiêu chuẩn và căn cứ căn bản nhất, cao nhất trong mọi hoạt động của bản thân nhà nước, của tổ chức xã hội và mỗi công dân.
+ Đặc điểm trên đây là đặc điểm tiêu biểu nhất về phương diện pháp lý để xác định một nhà nước nào đó có phải là nhà nước pháp quyền hay không và là nhà nước pháp quyền ở trình độ nào. Theo đặc điểm này thì không phải bất cứ nhà nước nào coi trọng pháp luật trong cai trị cũng đều là nhà nước pháp quyền. Trong lịch sử phương Đông cổ đại cũng đã có nhà nước đặc biệt coi trọng công cụ pháp luật trong cai trị nhưng đó không phải là nhà nước pháp quyền bởi ở đó pháp luật chỉ mang tính tối cao đối với người bị cai trị. Tính pháp quyền của hình thức tổ chức nhà nước pháp quyền phải là cao nhất ngay cả đối với chủ thể quyền lực mặc dù chủ thể quyền lực đặt ra pháp luật.
- Thứ hai, nhà nước pháp quyền là hình thức tổ chức nhà nước mà ở đó quyền lực nhà nước thể hiện được lợi ích và ý chí của đại đa số nhân dân.
+ Trong nhà nước pháp quyền, bản thân luật pháp phải thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Ở các nước theo hình thức tổ chức nhà nước pháp quyền đều thực hiện chế độ dân chủ trong việc thiết lập quyền lực nhà nước, thực hiện chế độ trưng cầu dân ý.
+ Đặc điểm này cho thấy mỗi cá nhân trong xã hội được tổ chức theo hình thức nhà nước pháp quyền đều có tư cách công dân và tư cách là cá nhân tự do. Với tư cách công dân, mỗi cá nhân phải có nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của pháp luật; với tư cách cá nhân tự do, mỗi cá nhân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ nghiêm cấm những hành vi cá nhân và tổ chức chính trị, xã hội nào xâm hại tới lợi ích của các cá nhân và của tổ chức khác cũng như lợi ích của xã hội. Như vậy, trong nhà nước pháp quyền, con người được xem là giá trị và mục tiêu cao nhất. Các quyền con người được thể chế hóa thành hiến pháp và pháp luật.
- Thứ ba, nhà nước pháp quyền là hình thức tổ chức nhà nước mà ở đó có sự đảm bảo thực tế mối quan hệ hữu cơ về quyền và trách nhiệm giữa nhà nước và công dân.
+ Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước mọi công dân về những vi phạm pháp luật của mình, làm tổn hại đến lợi ích của công dân.
+ Các tổ chức trong xã hội phải thực hiện các nghĩa vụ và chịu trách nhiệm về những hành vi của mình theo quy định của pháp luật.
Ngoài ba đặc điểm trên đây, có quan niệm cho rằng nguyên tắc “tam quyền phân lập” cũng là nguyên tắc đặc trưng của mọi nhà nước pháp quyền. Theo nguyên tắc này, quyền lực nhà nước được phân tách thành ba nhánh quyền lực độc lập với nhau, chi phối lẫn nhau trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước. Đó là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Lý thuyết phân quyền này cũng không hoàn toàn giống nhau ở các nước tư bản phương Tây.
- Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng vấn đề phân tách quyền lực nhà nước thành các bộ phận quyền lực độc lập và chi phối ràng buộc lẫn nhau hay không phân tách quyền lực ấy theo lý thuyết “tam quyền phân lập” không phải là vấn đề thuộc bản chất của hình thức tổ chức nhà nước pháp quyền. Vấn đề thuộc bản chất của nhà nước pháp quyền chính là ở chỗ quyền lực nhà nước có thực sự thuộc về đông đảo nhân dân mà trước hết là đông đảo nhân dân lao động hay không? Ý chí, lợi ích và quyền lực của đông đảo nhân dân một khi đã được đề lên thành pháp luật có thực sự là chuẩn mực cơ bản và tối cao trong mọi hoạt động của xã hội và công dân hay không? Lợi ích hợp pháp của các công dân, các tổ chức trong xã hội và của bản thân bộ máy nhà nước có được tôn trọng hay không?
b) Tư tưởng triết học về nhà nước pháp quyền trong lịch sử
Những tư tưởng coi trọng pháp luật trong cai trị và quản lý xã hội đã xuất hiện từ thời cổ đại ở cả phương Đông và phương Tây.
Ở phương Đông, các nhà triết học Trung Quốc như Lão Tử, Trang Tử
và đặc biệt là Hàn Phi Tử đã đưa ra nhiều tư tưởng về tính tối thượng của pháp luật và sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Mặc dù không biết đến thuật ngữ nhà nước pháp quyền nhưng Lão Tử, Trang Tử đã đưa ra tư tưởng nhằm giới hạn sự can thiệp của công quyền vào đời sống cá nhân con người, bảo vệ sự tự do của con người. Còn Hàn Phi Tử đặc biệt nhấn mạnh và đề cao vai trò của pháp luật trong công việc quản lý xã hội. Ông cũng đưa ra các tiêu chuẩn hết sức cần thiết trong việc xây dựng luật pháp như tính khách quan, tính công bằng, minh bạch và tính ổn định.
Ở phương Tây, dù tư tưởng về nhà nước và pháp quyền xuất hiện rất sớm nhưng đến thời cận đại mới trở thành những lý luận có tính hệ thống cao và có giá trị thực tiễn lớn.
- Từ thời cổ đại, một số nhà triết học nổi tiếng như Xôcrát, Platôn, Arixtốt đã đưa ra nhiều ý tưởng về nhà nước pháp quyền. Các ông đã đề cao
tính công minh của pháp luật trong việc xét xử, cũng như sự cần thiết phải xây dựng các bộ luật và quản lý xã hội bằng pháp luật.
- Vào thời trung cổ, nhà triết học - thần học nổi tiếng, T.Đacanh cũng có những luận giải khá sâu sắc về nhà nước và pháp quyền.
- Vào thời cận đại, nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trong phạm vi các quốc gia dân tộc tư sản đã được xác lập và nhanh chóng phát triển. Đó cũng là thời kỳ diễn ra cuộc đấu tranh chính trị giành quyền lực nhà nước giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến. Tời này có nhiều lý luận triết học pháp quyền ra đời gắn liền với tên tuổi của các nhà triết học như:
Xpinôda (1632–1677), Lốccơ (1632–1704), Môngtexkiơ (1689–1775) và Rútxô (1712–1788), Cantơ (1724–1804), Hêghen (1770–1831) v.v..
+ Nhà triết học Hà Lan Xpinôda là người đã sáng lập ra lý thuyết về
“pháp quyền tự nhiên”. Theo lý thuyết này, nhà nước và pháp quyền không phải được tạo ra bởi Chúa Trời mà là kết quả của những sự thỏa thuận giữa con người với nhau phù hợp với quyền tự nhiên vốn có của mình và phù hợp với quy luật tự nhiên. Theo lý thuyết này, một khi pháp luật phù hợp với quy luật tự nhiên thì cũng có nghĩa là nó phù hợp với bản tính tự nhiên của con người. Theo ông, cần phải hạn chế quyền lực của nhà nước bằng những đòi hỏi tự do của con người và cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa pháp luật và đạo đức trong quản lý xã hội.
+ Nhà triết học duy vật người Anh là Lốccơ cũng đứng trên quan điểm pháp quyền tự nhiên của con người mà cho rằng “Luật tự nhiên là bắt buộc vì rằng đó là tự do”. Theo ông, pháp quyền tự nhiên bắt nguồn từ sự liên kết của con người thành cộng đồng theo một quy luật tự nhiên khách quan. Trong sự liên kết đó, con người thỏa thuận với nhau để lập nên nhà nước như là một lực lượng thể hiện ý chí chung. Cũng vì thế mà nhà nước trở thành cơ quan quyền lực chung của xã hội mà mỗi công dân phải tuân theo quyền lực của nó. Trong hoạt động của nhà nước, tất cả phải phục tùng pháp luật như một nguyên tắc tối cao. Theo lôgic đó, quyền lực nhà nước không phải tự nhiên mà có, cũng không phải xuất phát từ ý muốn riêng có của một người mà theo bản chất, nó thuộc về nhân dân, do nhân dân ủy nhiệm. Như vậy, con người chỉ dành một phần cho nhà nước mà không phải là tất cả. Con người chỉ đến với nhà nước vì tự do của nó trong đời sống xã hội, chứ không phải để mất tự do. Theo lý thuyết pháp quyền tự nhiên của Lốccơ thì quyền lực nhà nước cũng cần phải phân tách thành những bộ phận độc lập với nhau; việc soạn thảo và người soạn thảo pháp luật cần phải được tách độc lập với người thực hiện và xét xử theo pháp luật. Với tư tưởng phân quyền này, Lốccơ đã phản ánh đúng nhu cầu của cuộc đấu tranh giành
quyền lực giữa giai cấp tư sản mới lên và giai cấp quý tộc phong kiến. Với lý thuyết đó, Lốccơ cũng là một trong những nhà tư tưởng triết học đặt nền móng lý luận cho sự ra đời của lý thuyết tam quyền phân lập tư sản.
+ Nhà triết học khai sáng Pháp Môngtexkiơ chia chính thể nhà nước thành ba loại, là chính thể chuyên chế, chính thể quân chủ và chính thể dân chủ. Theo ông, chính thể dân chủ là chính thể mà dân chúng hoặc một bộ phận dân chúng có quyền lực tối cao. Ở đó, luật pháp là tối thượng và người dân chấp hành luật pháp với ý thức làm cho mình, tự mình gánh lấy nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi. Chính pháp luật là một trong những yếu tố nền tảng cho sự bền vững của chính thể dân chủ. Trong lý thuyết phân quyền nổi tiếng của mình, Môngtexkiơ cho rằng quyền lực nhà nước phải được phân tách thành ba bộ phận độc lập là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Trong đó, quyền lập pháp là quyền làm luật, sửa đổi hay hủy bỏ luật; quyền hành pháp là quyền quyết định và thực thi những vấn đề đối ngoại, an ninh, kinh tế, chiến tranh; còn quyền tư pháp là quyền trừng trị tội phạm và phân xử tranh chấp. Việc phân chia quyền lực như vậy, theo ông, xuất phát từ lợi ích chung của xã hội và của nhân dân nhằm tránh tình trạng tùy tiện và lạm quyền của các quan chức thuộc bộ máy nhà nước, cũng như nhằm bảo đảm cho người dân tránh khỏi tình trạng vô pháp luật. Ông khẳng định, nếu quyền tư pháp hợp nhất với quyền hành pháp thì tòa án sẽ trở thành kẻ đàn áp, còn nếu như quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nằm trong tay một người hoặc một cơ quan thì con người sẽ không có tự do. Theo quan điểm của ông, phân quyền là tự do chính trị trong quan hệ với hiến pháp nên ba cơ quan quyền lực dù độc lập nhưng lại ràng buộc nhau, tạo nên sự vận động chung của toàn bộ hệ thống nhà nước. Ngoài lý thuyết tam quyền phân lập, Môngtexkiơ và cả Rútxô còn đưa ra lý luận về khế ước xã hội. Chúng đã ảnh hưởng lớn tới các lý thuyết pháp quyền của các nhà triết học nước Đức - Cantơ và Hêghen.
- Theo Cantơ, mỗi con người là một giá trị tuyệt đối, nó không thể là một công cụ cho bất cứ một mưu đồ nào, dù đó là mưu đồ tốt đẹp nhất. Bởi vậy, chính con người mới là chủ thể của quyền lực. Quyền lực nhà nước được tạo nên bởi chính bản tính tuyệt đối của con người. Nhà nước phải phục tùng theo pháp luật, đó chính là phục tùng bản tính tuyệt đối của con người. Bản thân mỗi con người phải phục tùng mệnh lệnh tối cao của chính bản tính mình. Ông cũng tán thành quan điểm phân chia quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau… Như vậy, Cantơ có xu hướng đi vào những cơ sở triết học của lý thuyết nhà nước pháp quyền tư sản, tìm những cơ sở triết học của lý thuyết ấy từ bản tính tiên nghiệm của con người.
- Hêghen tiếp tục luận chứng những cơ sở triết học của lý thuyết nhà nước pháp quyền từ học thuyết về sự tha hóa của “ý niệm tuyệt đối”.Trong tác phẩm nổi tiếng Nhà nước pháp quyền Hêghen cho rằng, xã hội công dân, trật tự pháp luật và các đạo luật mang tính pháp quyền là những yếu tố cấu thành của nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, theo Hêghen, nhà nước và pháp luật chỉ là sự thể hiện, sự tha hóa trong đời sống hiện thực của các ý niệm đạo đức tuyệt đối và ý chí tự do; pháp luật trong nhà nước pháp quyền chính là hiện thực của tự do và là tồn tại thực tế của ý chí tự do.