Nguồn gốc nhà nước

Một phần của tài liệu Bài giảng triết học ppsx (Trang 119 - 121)

I. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LÝ LUẬN VỀ NHÀ NƯỚC 1 Nguồn gốc, bản chất và đặc trưng của nhà nước

a)Nguồn gốc nhà nước

 Lịch sử cho thấy không phải khi nào xã hội cũng có nhà nước. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, do tình trạng kinh tế còn thấp kém, chưa có sự phân hóa giai cấp, nên chưa có nhà nước. Đứng đầu các thị tộc, bộ lạc là những tộc trưởng do nhân dân bầu ra, quyền lực của những người đứng đầu dựa vào sức mạnh đạo đức và uy tín của họ. Quyền hành và chức năng của cơ quan lãnh đạo trong thời kỳ đó chưa mang tính chính trị. Hệ thống quản lý của xã hội trong xã hội cộng sản nguyên thủy thường bao gồm:

- Hội đồng là cơ quan quyền lực thường trực, có thể lúc đầu nó bao gồm các trưởng thị tộc, rồi về sau, số trưởng thị tộc quá đông thì hội đồng bao gồm một số người được bầu ra trong số trưởng thị tộc này. Trong những việc quan trọng, Hội đồng được quyền quyết định cuối cùng.

- Đại hội nhân dân do Hội đồng triệu tập để quyết định các công việc quan trọng. Ở đó, mỗi người đều có thể phát biểu ý kiến. Đại hội nhân dân có quyền quyết định tối hậu mọi vấn đề.

- Thủ lĩnh quân sự chuyên đảm nhận công việc lãnh đạo các cuộc chiến tranh, bảo vệ cộng đồng bộ lạc. Các thủ lĩnh quân sự không phải là người cai trị, họ không có đặc quyền đặc lợi cá nhân, không bắt nhân dân phải phục vụ cho lợi ích riêng. Họ thực hiện vai trò của mình theo ý chí và quyết định của nhân dân…

- Như vậy, thể chế xã hội trong thời kỳ cộng sản nguyên thủy là thể chế tự quản của nhân dân. Mặc dù nhà nước chưa ra đời để cai quản các công việc chung nhưng xã hội vẫn trong vòng trật tự. Nhận xét về xã hội đó, Ph.Ăngghen viết: “Với tất cả tính chất ngây thơ và giản dị của nó, chế độ thị tộc đó quả là một tổ chức tốt đẹp biết bao! Không có quân đội, hiến binh và cảnh sát, không có quý tộc, vua chúa, tổng đốc, trưởng quan và quan tòa, không có nhà tù, không có những vụ xử án, thế mà mọi việc đều trôi chảy”1.

 Theo Ph.Ăngghen, nhà nước ra đời do bốn nguyên nhân: 1C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.21, tr.147

- Một là, do sự phát triển của sản xuất ở cuối xã hội nguyên thủy đã dẫn tới sự dư thừa tương đối của cải xã hội. Đây là cơ sở khách quan làm nảy sinh khát vọng chiếm đoạt sản phẩm lao động của nhân dân ở những người đứng đầu thị tộc, bộ lạc – đđó cũng là sự xuất hiện của sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và chế độ người bóc lột người.

- Hai là, việc các thủ lĩnh thị tộc, bộ lạc, sử dụng quyền lực chiếm đoạt của nhân dân đã thúc đẩy sự phân hóa giai cấp trong xã hội. Khi giai cấp xuất hiện, quan hệ người áp bức người thay thế quan hệ bình đẳng. Sự đối kháng giai cấp ngày càng trở nên sâu sắc.

- Ba là, chiến tranh ăn cướp giữa các thị tộc, bộ lạc càng làm tăng quyền lực của thủ lĩnh quân sự. Sự tăng cường quyền lực cùng với sự giàu có về của cải của các thủ lĩnh quân sự làm cho họ trở thành đối lập với nhân dân.

- Bốn là, các tổ chức lãnh đạo thị tộc, bộ lạc dần dần thoát khỏi gốc rễ trong nhân dân, từ chỗ là công cụ của nhân dân, các tổ chức đó trở thành cơ quan đối lập, thống trị nhân dân.

- Toàn bộ những nguyên nhân trên đây đã làm tăng thêm những mâu thuẫn trong xã hội. Mâu thuẫn giai cấp đầu tiên xuất hiện là mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ. Cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đối kháng đó dẫn tới nguy cơ chẳng những các giai cấp ấy có thể tiêu diệt lẫn nhau mà còn có khả năng tiêu diệt luôn cả xã hội. Để thảm họa đó không xảy ra, một cơ quan quyền lực đặc biệt đã ra đời là nhà nước. Nhà nước chính là một tổ chức, thiết chế có tiền thân từ những tổ chức phi chính trị trong các xã hội thị tộc, bộ lạc.

 Theo V.I.Lênin, sự xuất hiện nhà nước trong lịch sử là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Đề cập tới nguyên nhân trực tiếp xuất hiện nhà nước, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”1.

Như vậy, sự ra đời của nhà nước không phải để giải quyết các mâu thuẫn giai cấp trong xã hội, cũng không phải để điều hòa mâu thuẫn giai cấp. Trái lại, nhà nước ra đời do mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, không điều hòa được. Sự xuất hiện của nhà nước là để duy trì mâu thuẫn giai cấp trong một giới hạn trật tự nhằm thực hiện được sự bóc lột của giai cấp nắm giữ tư liệu sản xuất đối với người lao động.

1

 Qua việc tìm hiểu nguồn gốc của nhà nước, có thể rút ra những kết luận sau đây:

- Thứ nhất, nhà nước không phải là hiện tượng vĩnh viễn của lịch sử, không phải là bản chất của mọi xã hội nói chung. Khi xã hội cộng sản tương lai là một xã hội mà thể chế tự quản ở trình độ cao được xác lập thì ở đó sẽ không cần đến hình thức tổ chức xã hội theo kiểu tổ chức nhà nước.

- Thứ hai, sự xuất hiện của nhà nước có nguyên nhân trực tiếp từ sự xuất hiện các mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp trong xã hội. Sự ra đời của nhà nước không phải để giải quyết hay điều hòa mâu thuẫn giai cấp mà là để duy trì mâu thuẫn đó trong giới hạn của những trật tự nhất định nhằm có thể duy trì được sự tồn tại của các giai cấp và thực hiện được lợi ích và sự thống trị của giai cấp chiếm hữu tư liệu sản xuất đối với những giai cấp khác.

- Thứ ba, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn còn tồn tại với những nội dung mới và hình thức mới, do đó sự tồn tại của nhà nước là tất yếu. Nhưng đây là một kiểu nhà nước mới – nhà nước không còn “nguyên nghĩa đen” mà là “nửa nhà nước”. Nhà nước đó sẽ “tự tiêu vong” khi xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản.

Một phần của tài liệu Bài giảng triết học ppsx (Trang 119 - 121)