I. LÝ LUẬN HÌNH THÁI KINH TẾ–XÃ HỘI VÀ VAI TRÒ
1. Những tiền đề xuất phát để xây dựng lý luận hình thái kinh tế– xã hộ
CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
Trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, lý luận hình thái kinh tế – xã hội chiếm một vị trí quan trọng. Lý luận này không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có giá trị về mặt thực tiễn. Bởi vì nó không chỉ lý giải một cách khoa học về sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người mà còn là “kim chỉ nam” cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu và vận dụng một cách sáng tạo lý luận này vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của đất nước và quốc tế, là công việc cần thiết và cấp bách.
I. LÝ LUẬN HÌNH THÁI KINH TẾ –XÃ HỘI VÀ VAI TRÒ
PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA LÝ LUẬN NÀY
1. Những tiền đề xuất phát để xây dựng lý luận hình thái kinh tế –xã hội xã hội
Việc nhận thức, đánh giá các vấn đề lịch sử thường là phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều so với nhận thức, đánh giá các vấn đề tự nhiên. Bởi lẽ, đời sống lịch sử không chỉ bao gồm nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa v.v.. mà chủ yếu do mọi sự tồn tại, biến đổi của lịch sử, của xã hội luôn gắn liền với cái chủ quan và lợi ích của con người. Điều đó đã lý giải, vì sao trong lịch sử tư tưởng triết học trước Mác, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau khi đánh giá các vấn đề của đời sống xã hội, cũng như sự chi phối của quan điểm duy tâm trong lĩnh vực này. Mặc dù có sự khác nhau về chi tiết giữa các nhà tư tưởng duy tâm khi đánh giá đời sống xã hội, song nhìn chung, quan điểm của các nhà tư tưởng này đều có hạn chế chung trong phương pháp tiếp cận các vấn đề xã hội. Đó là, họ tiếp cận các vấn đề xã hội từ góc độ nhân tố tinh thần như: đạo đức, niềm tin tôn giáo, chính trị v.v… Do dựa trên các yếu tố tinh thần như vậy khi giải thích đời sống xã hội mà quan điểm duy tâm trước Mác bộc lộ các hạn chế cơ bản sau:
- Thứ nhất, khi đánh giá về động lực của sự vận động, phát triển của xã hội, quan điểm duy tâm thường quy về vai trò của nhân tố, thực thể tinh thần siêu nhiên nào đó.
- Thứ hai, khi xem xét vị trí, vai trò của các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa tinh thần v.v… trong mối quan hệ giữa chúng với nhau, cũng như vai trò của từng lĩnh vực này đối với toàn thể xã hội, quan điểm duy tâm đã không nhận thức được vai trò nền tảng, cơ sở của lĩnh vực kinh tế. Quan điểm này thường có xu hướng đề cao vai trò quyết định của các lĩnh vực ngoài kinh tế như: đạo đức, chính trị, pháp luật, v.v…
Nhằm vạch rõ sự hạn chế mang tính duy tâm của quan điểm xã hội trước Mác, biểu hiện tập trung trong triết học Đức đầu thế kỷ XIX, C.Mác đã nhận định rằng, các nhà triết học này đã “lấy sự thống trị của tôn giáo làm tiền đề. Và dần dà, người ta tuyên bố mọi quan hệ thống trị là một quan hệ tôn giáo và người ta biến quan hệ đó thành sự sùng bái: sùng bái pháp luật, sùng bái nhà nước”1. Chính từ việc phê phán quan điểm duy tâm trước Mác trong việc xây dựng tiền đề xuất phát cho các vấn đề xã hội, C.Mác đã đưa ra một hướng tiếp cận mới, một xuất phát điểm mới, có tính khoa học và thuyết phục cao nhằm lý giải các vấn đề của đời sống xã hội, cũng như làm tiền đề, xuất phát điểm cho học thuyết của mình.
- Hoàn toàn khác với các nhà triết học trước kia, trong đó có cả các nhà triết học cổ điển Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen không bắt đầu việc nghiên cứu đời sống xã hội từ những xuất phát điểm trừu tượng như yếu tố tinh thần hay con người chung chung. Trái lại, xuất phát điểm nghiên cứu xã hội của các ông là những cái có thực, hiện đang tồn tại phổ biến, hiển nhiên trong đời sống xã hội, do đó, mang tính thuyết phục hơn rất nhiều. Ở đây, các ông bắt đầu việc nghiên cứu xã hội của mình bằng việc xem xét yếu tố con người cụ thể, hiện thực, hiện đang sống đời sống thực trong từng xã hội cụ thể. Mác viết: “Hoàn toàn khác với triết học Đức là triết học từ trên trời đi xuống đất, ở đây chúng ta từ dưới đất đi lên trời, tức là chúng ta không xuất phát từ những điều mà con người nói, tưởng tượng, hình dung, chúng ta cũng không xuất phát từ những con người chỉ tồn tại trong lời nói, trong ý nghĩ, trong tưởng tượng, trong biểu tượng của người khác, để từ đó mà đi tới con người bằng xương, bằng thịt; không, chúng ta xuất phát từ những con người đang hành động, hiện thực và chính là cũng xuất phát từ quá trình đời sống hiện thựccủa họ mà chúng ta mô tả sự phát triển của những phản ánh tư tưởng và tiếng vang tư tưởng của quá trình đời sống ấy”2. Tính đúng đắn, tính thuyết phục của xuất phát điểm này của C.Mác và Ph.Ăngghen thể hiện ở chỗ, sự tồn tại người là một sự tồn tại hiển nhiên và phổ biến trong đời sống xã hội. Không những thế, chính sự tồn tại người này quy định sự tồn tại của toàn thể
1 C.Mác, Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.3, tr.27.
xã hội. Do đó, về mặt phương pháp luận, khi đề cập tới xã hội thì người ta buộc phải đề cập trước hết tới sự tồn tại của những con người trong xã hội đó.
- Tiếp tục một cách lôgíc, hợp lý xuất phát điểm đúng đắn này, hai ông đi tới việc xác định tiền đề đầu tiên của tất cả mọi sự tồn tại của con người, và do đó, cũng là tiền đề của mọi quá trình lịch sử, đó là: “người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất”1.
- Ở đây, khi đề cập tới quan hệ giữa nhu cầu của con người và sản xuất vật chất, các ông cũng chỉ rõ vai trò to lớn của nhu cầu đối với sự phát triển sản xuất vật chất, cũng như sự phát triển của toàn thể xã hội. Theo C.Mác, nhu cầu của con người được hình thành một cách khách quan trong đời sống của họ. Không những thế, nhu cầu con người được biểu hiện ra một cách rất phong phú, đa dạng như nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần v.v… vai trò của nhu cầu biểu hiện, nó là động lực bên trong thúc đẩy con người hoạt động, phát triển. Khi nhu cầu này được thỏa mãn thì lập tức xuất hiện nhu cầu mới. Cứ như vậy, nhu cầu của con người là động lực thúc đẩy sự phát triển của chính họ, và qua đó, là động lực phát triển của cả xã hội.
- Khi đề cập tới hoạt động sản xuất vật chất với tính cách là hành vi lịch sử đầu tiên của con người, C.Mác cũng đồng thời chỉ ra các hoạt động sản xuất khác của con người như: hoạt động sản xuất tinh thần và hoạt động sản xuất ra bản thân con người cũng như các quan hệ xã hội khác. Trong các hoạt động đó, hoạt động sản xuất vật chất đóng vai trò là hoạt động nền tảng, cơ sở cho toàn bộ đời sống xã hội, cũng như là điểm đánh dấu sự khác biệt căn bản giữa con người và con vật. C.Mác viết: “bản thân con người bắt đầu bằng tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình”2. Chính thông qua sản xuất vật chất để duy trì sự tồn tại và phát triển của mình, con người đã đồng thời sáng tạo ra toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội với tất cả tính phong phú của nó. Do đó, việc xuất phát từ con người hiện thực để nghiên cứu đời sống xã hội đòi hỏi phải bắt đầu từ sản xuất vật chất của họ, qua đó, đi đến việc xem xét các mặt khác của xã hội nhằm tìm ra các quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội.
1 C.Mác, Ph.Ăngghen: Sđd, tr.40.