Quan niệm mácxít về đấu tranh giai cấp

Một phần của tài liệu Bài giảng triết học ppsx (Trang 105 - 107)

I. GIAI CẤP VÀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP

b) Quan niệm mácxít về đấu tranh giai cấp

Đấu tranh giai cấp là gì? Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng lịch sử loài người từ khi có giai cấp đối kháng đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp. Đây là quá trình tất yếu khách quan của xã hội có áp bức giai cấp. Bởi vì, giai cấp thống trị và giai cấp bị trị có lợi ích căn bản đối lập nhau không thể điều hòa được. Đó là đối kháng về quyền lợi giữa những giai tầng áp bức bóc lột và những giai tầng bị bóc lột. Có áp bức thì có đấu tranh chống áp bức. V.I.Lênin cho rằng đấu tranh giai cấp trong lịch sử và trong thời đại ngày nay không phải là những cuộc bạo loạn, khủng bố, lật đổ, chỉ có ý nghĩa phá hoại tiêu cực, mà thực chất là “cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động, chống bọn có đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người

công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản”1.

Nguyên nhân của đấu tranh giai cấp: Nguyên nhân khách quan của cuộc đấu tranh giai cấp trong các xã hội có giai cấp đối kháng là do mâu thuẫn gay gắt giữa lực lượng sản xuất mới, tiến bộ với quan hệ sản xuất lỗi thời, lạc hậu. Mâu thuẫn này biểu hiện về mặt xã hội thành mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp cách mạng, tiến bộ đại diện cho lực lượng sản xuất mới đòi hỏi một quan hệ sản xuất mới thích hợp, với một bên là giai cấp thống trị bóc lột, bảo thủ, đại biểu cho quan hệ sản xuất lỗi thời lạc hậu.

Hình thức của đấu tranh giai cấp: Tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, vào các giai cấp tham gia đấu tranh, vào giai đoạn phát triển cuộc đấu tranh mà đấu tranh giai cấp diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong thời đại ngày nay, cách mạng xã hội chủ nghĩa đang ở thời kỳ thoái trào, giai cấp công nhân các nước tư bản chủ nghĩa đứng trước vấn đề cấp bách là tìm những hình thức mới của đấu tranh giai cấp để chống lại những thủ đoạn mới của giai cấp thống trị, của những tập đoàn tư bản lũng đoạn xuyên quốc gia bảo vệ những lợi ích giai cấp trước mắt và lâu dài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Vai trò của đấu tranh giai cấpđối với sự phát triển xã hội có giai cấp đối kháng: Đấu tranh giai cấp là một trong những động lực phát triển quan trọng của các xã hội có giai cấp. Xét tới cùng sản xuất vật chất là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, sản xuất vật chất chỉ phát triển trong một quan hệ sản xuất nhất định. Sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là điều kiện cơ bản để sản xuất phát triển thuận lợi, tạo cơ sở cho sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội. Khi không phù hợp với lực lượng sản xuất, thì quan hệ sản xuất trở thành xiềng xích trói buộc, kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển. Trong các xã hội có giai cấp, những quan hệ sản xuất lỗi thời không tự động mất đi nhường chỗ cho quan hệ sản xuất mới. Chúng được giai cấp thống trị bảo vệ bằng bạo lực và bằng pháp luật. Muốn thay đổi quan hệ sản xuất lỗi thời, lạc hậu để giải phóng sức sản xuất phát triển thì phải thực hiện bằng đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội. Với ý nghĩa đó, đấu tranh giai cấp là phương thức thay đổi phương thức sản xuất cũ bằng phương thức sản xuất mới cao hơn, đồng thời là một trong những động lực phát triển quan trọng của lịch sử xã hội. Khẳng định này đã được sự phát triển của toàn bộ lịch sử xã hội từ trước đến nay chứng minh. …

- Trong các xã hội có áp bức giai cấp, đấu tranh giai cấp chẳng những cải tạo xã hội mà còn có tác dụng cải tạo bản thân các giai cấp cách mạng và quần chúng lao động. Qua đấu tranh cho tự do, không cam chịu số phận nô lệ, các giai cấp bị áp bức mới gột rửa được tinh thần nô lệ và những tập quán xấu do chế độ người áp bức người sản sinh ra.

- Đấu tranh giai cấp không chỉ là đòn bẩy của lịch sử trong thời kỳ cách mạng mà còn là động lực phát triển các mặt của đời sống xã hội trong thời kỳ phát triển bình thường trong xã hội có giai cấp. Dưới chế độ tư bản, sức ép của phong trào công nhân là một trong những động lực mạnh mẽ, thường xuyên trực tiếp thúc đẩy giai cấp tư sản đổi mới phương thức quản lý, sử dụng kỹ thuật mới. Những thành tựu dân chủ mà giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản giành được là kết quả của đấu tranh giai cấp dưới nhiều hình thức.

- Vai trò đấu tranh giai cấp trong lịch sử đặc biệt to lớn là những cuộc đấu tranh mang tính quần chúng rộng lớn, do lực lượng tiên tiến của xã hội lãnh đạo, được tổ chức một cách khoa học nhằm thực hiện nghĩa vụ lịch sử chín muồi là đánh đổ giai cấp thống trị phản động đang là lực cản đối với sự phát triển xã hội.

Đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản: Cuộc đấu tranh giai cấp do giai cấp công nhân tiến hành là cuộc đấu tranh giai cấp cuối cùng trong lịch sử loài người. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản tất yếu dẫn đến cuộc cách mạng xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một xã hội mới – xã hội chủ nghĩa, mà việc đầu tiên là thiết lập nền chuyên chính vô sản, nghĩa là phải thủ tiêu trước hết quyền lực chính trị của giai cấp tư sản, thiết lập quyền thống trị chính trị của giai cấp vô sản. Nhưng chuyên chính vô sản không phải là mục tiêu cuối cùng của đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Nó chỉ là công cụ là phương tiện mà giai cấp vô sản phải thiết lập để có thể thực hiện được mục tiêu cơ bản của cách mạng là giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức bóc lột, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

 Như vậy, theo quan điểm mácxít, sự xuất hiện giai cấp, đấu tranh giai cấp và sự xóa bỏ giai cấp đều là tất yếu khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất cứ giai cấp nào. Khi điều kiện khách quan chưa cho phép thì không giai cấp nào có thể thực hiện được những mục tiêu của mình. Điều kiện khách quan đó bắt nguồn từ trong quá trình phát triển của nền sản xuất xã hội.

Một phần của tài liệu Bài giảng triết học ppsx (Trang 105 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w