Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

Một phần của tài liệu Bài giảng triết học ppsx (Trang 33 - 35)

I. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ PHÉP BIỆN CHỨNG & NỘI DUNG CƠ

b)Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

- Mặt đối lập: Sự vật là một tập hợp các yếu tố (thuộc tính) tương tác với nhau và với môi trường. Kết quả của sự tương tác này là các yếu tố tạo nên bản thân sự vật có một sự biến đổi nhất định, trong đó có vài yếu tố (biến đổi) trái ngược nhau. Những yếu tố trái ngược nhau (bên cạnh những yếu tố khác hay giống nhau) tạo nên cơ sở của các mặt đối lập trong sự vật. Mặt đối lập tồn tại khách quan và phổ biến.

- Thống nhất của các mặt đối lập là các mặt đối lập không tách rời nhau, tức mặt đối lập này lấy mặt đối lập kia làm điều kiện, tiền đề cho sự tồn tại của mình; là các mặt đối lập đồng nhất nhau, tức trong chúng chứa những yếu tố giống nhau cho phép chúng đồng tồn tại trong sự vật; là các mặt đối lập tác động ngang nhau, tức sự thay đổi trong mặt đối lập này tất yếu sẽ kéo theo sự thay đổi trong mặt đối lập kia, và ngược lại.

- Đấu tranh của các mặt đối lập: Dù tồn tại trong sự thống nhất, song các mặt đối lập luôn đấu tranh với nhau, tức chúng luôn tác động qua lại theo xu hướng bài trừ, phủ định hay loại bỏ lẫn nhau. Hình thức và mức độ đấu tranh của các mặt đối lập rất đa dạng, trong đó thủ tiêu lẫn nhau là một hình thức đấu tranh đặc biệt của các mặt đối lập.

- Chuyển hóa của các mặt đối lập (giải quyết mâu thuẫn biện chứng): Sự thống nhất mang tính tương đối gắn liền với sự ổn định của sự vật; Sự đấu tranh mang tính tuyệt đối gắn liền với sự vận động, thay đổi của bản thân sự vật. Mâu thuẫn biện chứng phát triển tương ứng với quá trình thống nhất các mặt đối lập chuyển từ mức độ trừu tượng sang cụ thể; còn sự đấu tranh các mặt đối lập chuyển từ mức bình lặng sang quyết liệt. Điều này làm xuất hiện các khả năng chuyển hóa của các mặt đối lập. Khi điều kiện khách quan hội đủ, một trong các khả năng đó sẽ biến thành hiện thực, các mặt đối lập tự thực hiện quá trình chuyển hóa. Mâu thuẫn biện chứng sẽ được giải quyết khi các mặt đối lập tự phủ định chính mình để biến thành cái khác. Có hai phương thức chuyển hóa: một là, mặt đối lập này chuyển hóa thành mặt đối lập kia ở một trình độ mới; và hai là, cả hai mặt đối lập cùng chuyển hóa thành những cái thứ ba nào đó mà quy luật khách quan và điều kiện, tình hình cho phép.

- Mâu thuẫnbiện chứng, tức sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, tồn tại khách quan, phổ biến rất đa dạng (mâu thuẫn bên trong - mâu thuẫn bên ngoài; mâu thuẫn cơ bản - mâu thuẫn không cơ bản; mâu thuẫn chủ yếu - mâu thuẫn thứ yếu; mâu thuẫn trong tự nhiên - mâu thuẫn trong xã hội - mâu thuẫn trong tư duy). Sự tác động của mâu thuẫn biện chứng lên bản thân sự vật là nguồn gốc, động lực của mọi sự tự vận động, phát triển xảy ra trong thế giới.

Nội dung quy luật

- Các mâu thuẫn biện chứng khác nhau tác động không giống nhau đến quá trình vận động và phát triển của sự vật;

- Mỗi mâu thuẫn biện chứng đều trải qua các giai đoạn: từ sinh thành (sự xuất hiện của các mặt đối lập), sang hiện hữu (sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập), rồi giải quyết (sự chuyển hóa của các mặt đối lập);

- Mâu thuẫn biện chứng được giải quyết, cái cũ mất đi, cái mới ra đời với những mâu thuẫn biện chứng mới hay thay đổi vai trò, tác động của các mâu thuẫn biện chứng cũ;

- Mâu thuẫn biện chứng là nguồn gốc của mọi sự vận động và phát triển. Do đó, vận động và phát triển trong thế giới vật chất mang tính tự thân.

Một phần của tài liệu Bài giảng triết học ppsx (Trang 33 - 35)