Quan niệm mácxít giai cấp

Một phần của tài liệu Bài giảng triết học ppsx (Trang 103 - 105)

I. GIAI CẤP VÀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP

a)Quan niệm mácxít giai cấp

Nguồn gốc giai cấp: C.Mác và Ph.Ăngghen đều khẳng định giai cấp không phải là hiện tượng bẩm sinh của xã hội, không xuất hiện cùng với sự xuất hiện của xã hội. Trong xã hội nguyên thủy, khi lực lượng sản xuất còn thấp kém, con người làm ra sản phẩm chỉ để tồn tại, chưa có sản phẩm dư thừa, chưa có điều kiện khách quan để người này chiếm đoạt sản phẩm của người khác, xã hội chưa xuất hiện chế độ người bóc lột người và do đó chưa thể có giai cấp. Cuối xã hội nguyên thủy, công cụ sản xuất bằng kim loại xuất hiện, có sự phân công lao động (thủ công tách khỏi nông nghiệp) làm cho lực lượng sản xuất phát triển mang lại năng suất lao động cao hơn, từ đó dẫn đến của cải dư thừa tương đối. Trong xã hội xuất hiện sự chiếm đoạt của cải dư thừa của xã hội làm của riêng; chế độ tư hữu ra đời. Chế độ tư hữu làm cơ sở cho sự phân hóa xã hội thành các giai cấp có lợi ích đối kháng nhau. Như vậy nguồn gốc cơ bản ra đời giai cấp là nguồn gốc kinh tế.

Định nghĩa giai cấp: Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác không những chỉ ra nguồn gốc cơ bản của giai cấp là từ cơ sở kinh tế, mà còn chỉ ra đặc trưng cơ bản của giai cấp cũng là đặc trưng kinh tế. Trong tác phẩm “Sáng kiến vĩ đại”, V.I.Lênin đã đưa ra định nghĩa về giai cấp như sau: “Người ta gọi giai cấp, những tập đoàn to lớn, những tập đoàn này khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật qui định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ về phần của cải ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định”1.

- Định nghĩa giai cấp của V.I.Lênin cho thấy: Nói đến giai cấp là nói đến sự khác nhau giữa các tập đoàn người về địa vị trong một hệ thống kinh tế – xã hội nhất định.Trong hệ thống kinh tế - xã hội đó, tập đoàn người này là tập đoàn thống trị, tập đoàn kia là tập đoàn bị trị. Địa vị khác nhau đó là do các quan hệ sau đây quyết định:

+ Thứ nhất, các giai cấp có quan hệ khác nhau đối với việc sở hữu tư liệu sản xuất. Đây là sự khác nhau cơ bản nhất. Những giai cấp như chủ nô (trong chế độ nô lệ), địa chủ (trong chế độ phong kiến), tư sản (trong chế độ tư bản) là những tập đoàn giữ địa vị thống trị trong hệ thống kinh tế - xã hội mà họ là đại biểu, trước hết là do các tập đoàn người này chiếm hữu tư liệu sản xuất xã hội, tức là nắm được phương tiện, điều kiện vật chất quan trọng nhất để chi phối lao động của các tập đoàn người không có hoặc có rất ít tư liệu sản xuất. Những tập đoàn người bị mất tư liệu sản xuất (nô lệ trong chế độ nô lệ, nông nô trong chế độ phong kiến, vô sản trong chế độ tư bản) buộc phải phụ thuộc về kinh tế vào các tập đoàn thống trị.

+ Thứ hai, các giai cấp có vai trò khác nhau trong việc tổ chức, quản lý lao động xã hội. Tập đoàn nào chiếm hữu tư liệu sản xuất đương nhiên giữ vai trò lãnh đạo, chỉ huy hoạt động sản xuất và lưu thông trên qui mô toàn xã hội cũng như từng đơn vị kinh tế.

+ Thứ ba, các giai cấp có phương thức và qui mô thu nhập của cải xã hội khác nhau. Là người chiếm hữu tư liệu sản xuất và tổ chức lãnh đạo sản xuất, tập đoàn thống trị đủ điều kiện thực hiện mục đích của mình trong sản xuất là chiếm đoạt sản phẩm thặng dư do các giai cấp lao động tạo ra.

1

- Tóm lại, giai cấp nào nắm được quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất thì giai cấp đó sẽ nắm được quyền quản lý, tổ chức sản xuất và quyền chi phối sản phẩm, và giai cấp đó sẽ có địa vị thống trị trong xã hội. Sự khác nhau về địa vị cho phép giai cấp thống trị chiếm đoạt lao động của giai cấp bị trị trong xã hội.

Kết cấu giai cấp: Mỗi kiểu xã hội có giai cấp đối kháng có kết cấu giai cấp riêng của nó, trong đó gồm các giai cấp cơ bản đối lập nhau. Đó là chủ nô và nô lệ trong xã hội nô lệ, địa chủ và nông nô trong chế độ phong kiến, tư sản và vô sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa, quan hệ giữa các giai cấp này là quan hệ bóc lột và bị bóc lột, thống trị và bị trị, không thể có sự bình đẳng về địa vị và quyền lợi cho các giai cấp. Cuộc đấu tranh giữa các giai cấp cơ bản quyết định xu hướng, tính chất của sự vận động xã hội. Ngoài hai giai cấp cơ bản, mỗi kết cấu xã hội có giai cấp còn bao gồm một số giai cấp không cơ bản và tầng lớp trung gian. Đó là các tập đoàn của tàn dư của phương thức sản xuất cũ (như nô lệ trong giai đoạn đầu của xã hội phong kiến, địa chủ, nông nô trong giai đoạn đầu của xã hội tư bản). Và có tập đoàn là mầm mống của phương thức sản xuất tương lai (như giai cấp tư sản và giai cấp công nhân trong giai đoạn cuối của xã hội phong kiến – thời kỳ công trường thủ công). Ngoài ra bất kỳ xã hội có giai cấp nào cũng có một số tầng lớp trung gian là sản phẩm của chính phương thức sản xuât đang thống trị, là kết quả của quá trình phân hóa xã hội không ngừng diễn ra. Đó là tầng lớp bình dân trong xã hội nô lệ, tiểu tư sản trong xã hội tư bản. Xã hội có giai cấp nào cũng tồn tại tầng lớp trí thức có vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa...

Một phần của tài liệu Bài giảng triết học ppsx (Trang 103 - 105)