II. KHÁI QUÁT VỀ PHƯƠNG PHÁP, PHƯƠNG PHÁP LUẬN; MỘT
a) Cái chung và cái riêng
Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn chủ thể cần lưu ý:
- Muốn phát hiện cái chung cần phải nghiên cứu từ bản thân của những cái riêng, tức từ các sự vật, tình hình cụ thể mà không nên xuất phát từ ý muốn chủ quan của mình.
- Khi áp dụng cái chung vào (những) cái riêng cần phải cá biệt hóa nó cho phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của từng cái riêng mà không được tuyệt đối hóa hay áp dụng cái chung một cách giáo điều, máy móc.
- Muốn giải quyết hiệu quả những vấn đề riêng phải giải quyết các vấn đề chung, mà trước hết là các vấn đề lý luận chung có liên quan đến những vấn đề riêng đó. Tránh lề thói tùy tiện, tình trạng mò mẫm, chủ nghĩa kinh nghiệm.
- Nắm vững điều kiện, quy luật chuyển hóa giữa cái riêng hay cái đơn nhất và cái chung hay cái phổ biến để vạch ra đối sách thích hợp, rồi thông qua hoạt động thực tiễn, sử dụng linh họat các công cụ, phương tiện vật chất can thiệp đúng lúc, đúng chỗ vào tiến trình vận động và phát triển của sự vật để lèo lái nó theo đúng quy luật và hợp lợi ích chúng ta.
b) Nguyên nhân và kết quả
Trong hoạt động nhận thức chủ thể phải phát hiện ra mạng lưới nhân quả. Cụ thể:
- Muốn hiểu đúng hiện tượng (kết quả) phải phát hiện ra những nguyên nhân sản sinh ra nó. Để phát hiện ra nguyên nhân phải phân tích sự vật ra thành các yếu tố; khảo sát sự tương tác giữa chúng để thấy được sự tương tác nào là nguyên nhân đã gây ra hiện tượng cần khảo sát, tức sinh ra kết quả. Phải phân biệt được nguyên nhân với nguyên cớ, nguyên nhân với điều kiện.
- Phân loại các nguyên nhân, xác định chính xác vai trò, tính chất tác động của từng nguyên nhân trong việc sản sinh ra các kết quả và phân loại kết quả.
- Vạch ra sự tác động ngược lại của kết quả đến nguyên nhân, cũng như sự thay đổi vị trí cho nhau của nguyên nhân và kết quả.
- Tổng hợp các nguyên nhân và các kết quả để phát hiện ra mạng lưới nhân quả.
Trong hoạt động thực tiễn chủ thể phải hành động theo mạng lưới nhân quả. Cụ thể:
- Muốn loại bỏ hoàn toàn một hiện tượng (kết quả) nào đó phải loại bỏ nguyên nhân sinh ra nó. Muốn một hiện tượng nào đó xuất hiện cần tạo ra nguyên nhân (đặc biệt là các nguyên nhân cơ bản, chủ yếu, bên trong, tác động cùng chiều), tạo ra nguyên cớ hay điều kiện cần thiết.
- Phải nắm được mối liên hệ nhân quả để có đối sách thích hợp, rồi thông qua hoạt động thực tiễn, sử dụng nhiều công cụ, phương tiện, biện pháp thích hợp (mà trước hết là những công cụ, phương tiện, biện pháp vật chất) để can thiệp đúng lúc, đúng chỗ vào tiến trình vận động và phát triển của sự vật, lèo lái nó theo đúng quy luật và hợp lợi ích chúng ta.
c) Tất nhiên và ngẫu nhiên
Trong hoạt động nhận thức muốn hiểu được xu hướng vận động và phát triển của sự vật, chủ thể phải nghiên cứu những cái ngẫu nhiên để phát
hiện ra cái tất nhiên ẩn giấu trong chúng. Từ đó khám phá ra cái bản chất, quy luật chi phối sự vật.
Trong hoạt động thực tiễn chủ thể:
- Muốn làm chủ tiến trình vận động và phát triển chung của sự vật, phải hành động dựa trên cái tất nhiên; tuy nhiên không bỏ qua hay bất chấp mọi cái ngẫu nhiên mà phải biết khi nào, cái ngẫu nhiên nào cần cần loại bỏ, cái ngẫu nhiên nào cần tận dụng và phát huy.
- Phải nắm vững điều kiện, quy luật chuyển hóa giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên để vạch ra đối sách thích hợp, rồi thông qua hoạt động thực tiễn, sử dụng nhiều công cụ, phương tiện, biện pháp thích hợp (mà trước hết là những công cụ, phương tiện, biện pháp vật chất) để can thiệp đúng lúc, đúng chỗ vào tiến trình vận động và phát triển của đối tượng, lèo lái nó theo đúng quy luật và hợp lợi ích chúng ta.
d) Nội dung và hình thức
Trong hoạt động nhận thức muốn hiểu được thực trạng của sự vật chủ thể phải phát hiện được nội dung và hình thức của nó trong sự thống nhất lẫn nhau mà không được tuyệt đối hóa cái này coi thường cái kia.
Trong hoạt động thực tiễn chủ thể phải:
- Biết khai thác và sử dụng mọi hình thức có thể có để giải quyết tốt nhiệm vụ thực tiễn (nội dung) đặt ra; phải chống lại cả quan điểm bảo thủ, đầu óc thủ cựu, chỉ biết làm theo kiểu cũ, duy trì hình thức cũ, lẫn quan điểm chủ quan nóng vội, tuỳ tiện thay đổi hình thức một cách vô căn cứ.
- Thấy được vai trò quyết định của nội dung, biết xây dựng những nội dung phù hợp với hình thức và điều kiện sẵn có; biết tác động đến sự thay đổi nội dung để cải biến sự vật.
- Nắm vững điều kiện, cách thức thay đổi của hình thức cũng như sự tác động ngược lại của hình thức đến nội dung để vạch ra đối sách thích hợp, rồi thông qua hoạt động thực tiễn, sử dụng nhiều công cụ, phương tiện, biện pháp thích hợp (mà trước hết là những công cụ, phương tiện, biện pháp vật chất) để can thiệp đúng lúc, đúng chỗ vào tiến trình vận động và phát triển của đối tượng, lèo lái nó theo đúng quy luật và hợp lợi ích chúng ta.
e) Bản chất và hiện tượng
Trong hoạt động nhận thức muốn hiểu thấu sự vật chủ thể phải nghiên cứu các hiện tượng để khám phá ra bản chất của nó:
- Phải phân tích điều kiện tồn tại của sự vật để loại bỏ những giả tượng, tìm kiếm cho được hiện tượng điển hình;
- Từ hiện tượng điển hình phát hiện ra bản chất của sự vật.
- Đào sâu quá trình nhận thức từ chỗ vượt qua bản chất cấp một, phát hiện ra bản chất cấp hai, và từ bản chất cấp hai vươn đến khám phá bản chất cấp ba, và mãi mãi.
Trong hoạt động thực tiễn muốn thành công chủ thể phải xuất phát từ bản chất (chứ không nên xuất phát từ hiện tượng), vạch ra đối sách thích hợp, rồi thông qua hoạt động thực tiễn, sử dụng nhiều công cụ, phương tiện, biện pháp thích hợp (mà trước hết là những công cụ, phương tiện, biện pháp vật chất) để can thiệp đúng lúc, đúng chỗ vào tiến trình vận động và phát triển của sự vật, lèo lái nó theo đúng quy luật và hợp lợi ích chúng ta.