Động cơ thúc đẩy định giá chuyển giao

Một phần của tài liệu Sách chuyên khảo ĐỊNH GIÁ ĐIỀU CHUYỂN VỐN NỘI BỘ CHO NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 26 - 30)

Các vần đề vừa được trình bày đã cho thấy những nét phác hoạ tương đối về động cơ cho định giá chuyển giao và giúp một tổ chức xác định lý do tại sao hệ thống định giá chuyển giao nên được thành lập. Phần này sẽ hệ thống lại những yếu tố được xem là động cơ quyết định sự tồn tại của định giá chuyển giao, theo đó gồm có yếu tố hoàn thành các mục tiêu của công ty, xác định trách nhiệm phân chia, đánh giá hiệu suất của đơn vị và tối đa hóa quyền tự chủ của đơn vị trong tổ chức.

Hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp

Một hệ thống định giá chuyển giao hiệu quả sẽ thúc đẩy các hoạt động làm tăng lợi nhuận của toàn bộ tổ chức. Điều này sẽ diễn ra khi các hành động mà các nhà quản lý thực hiện để cải thiện lợi nhuận tại đơn vị kinh doanh của họ cũng cải thiện lợi nhuận của toàn bộ tổ chức. Khi mà mục tiêu của tổ chức là tối đa hoá giá trị doanh nghiệp mà nền tảng quan trọng là gia tăng hiệu quả hoạt động6, hệ thống định giá chuyển giao nên được thiết kế như một công cụ thúc đẩy và điều khiển hành vi của các nhà quản lý để tập trung tốt nhất nguồn lực vào các sản phẩm để hướng đến hiệu quả hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp.

Trong một hệ thống định giá chuyển giao, giá chuyển giao là biểu thị cho mối quan hệ giữa các đơn vị và toàn bộ doanh nghiệp. Với ngân hàng, các giá này phải được thiết lập để cho phép hài hòa các mục tiêu của ngân hàng và các đơn vị kinh doanh. Mỗi ngân hàng nên tạo ra giá chuyển giao phù hợp để đảm bảo rằng các nhà quản lý của các đơn vị kinh doanh của ngân hàng hành động theo cách phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng. Mặt khác, những người quản lý này có thể có hành vi cơ hội mà ở một góc độ nào đó họ có thể theo đuổi lợi ích cá nhân của chính họ mà làm tổn hại đến văn hóa và thực tiễn vận hành của ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến khả năng xảy ra sự kiện rối loạn nếu giá chuyển giao phù hợp không được tạo ra. Do đó, một hệ thống FTP được thiết kế kém có thể dẫn đến các hành động tối đa hóa lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh ngân hàng, nhưng gây bất lợi cho toàn bộ ngân hàng. Đây là một trở ngại mà trong giai đoạn bắt đầu vận hành FTP thì rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã gặp phải7.

6 Đối với một doanh nghiệp đặc thù như ngân hàng, tối ưu hiệu quả hoạt động hàm ý gồm gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

Xác định trách nhiệm các đơn vị

Quản lý rủi ro ngày càng trở thành một hoạt động sống còn đối với tất cả các tổ chức tài chính mà đặc biệt là ngân hàng, khi ngày càng phải đối mặt với nhiều loại rủi ro phức tạp hơn và nhiều vấn đề phát sinh từ đó. Trong số đó phải kể đến những thách thức trong việc phân bổ chi phí của rủi ro cho các đơn vị phù hợp, đồng thời tách bạch được trách nhiệm kinh doanh và kiểm soát rủi ro. Các nhà quản lý của các đơn vị kinh doanh ngân hàng có thể có một số quyết định về giá cả của tài sản và nghĩa vụ nợ tại đơn vị mình, nhưng xét về tổng thể thì họ có thể không kiểm soát được sự thay đổi đường cong lợi suất thị trường hoặc hành vi bất thường tác động đến danh mục tín dụng toàn hàng. Vậy nên trách nhiệm quản lý rủi ro cần được xác định rõ ràng và tách biệt.

Một hệ thống định giá chuyển giao phải phục vụ phân bổ rủi ro sao cho hiệu suất của các đơn vị kinh doanh không phụ thuộc vào sự biến động của thị trường ngoài tầm kiểm soát của họ. Quy trình định giá chuyển giao hỗ trợ các đơn vị kinh doanh không chịu trách nhiệm quản lý các rủi ro ngoài tầm kiểm soát của họ. Để phân công trách nhiệm quản lý rủi ro, mỗi rủi ro liên quan đến các giao dịch vốn cần được xác định và cách ly. Về phần ngân hàng, khi tìm hiểu chi tiết về cách thức vận hành của FTP và nguyên tắc điều chuyển vốn, người ta dễ dàng nhận thấy được việc rủi ro ngân hàng có thể được phân tách bằng FTP như thế nào. Bên cạnh đó các phương pháp của định giá chuyển giao rất quan trọng đối với sự hiểu biết về rủi ro và quản lý rủi ro. Để xác định rõ trách nhiệm quản lý rủi ro tài chính được thiết lập trong các bộ phận khác nhau trong ngân hàng, các rủi ro phải được tách biệt và giao cho các đơn vị thích hợp.

Đánh giá hiệu suất của từng bộ phận

Như đã thảo luận trước đây thì định giá chuyển giao là một hệ thống chứa đựng quy trình kiểm soát quản lý, do đó định giá chuyển giao phải tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu đánh giá hiệu suất. Với một doanh nghiệp chia nhỏ hoạt động kinh doanh của mình thành các bộ phận khác nhau và để thiết lập giá chuyển giao hợp lý, họ có thể tính toán biên hiệu suất của một giao dịch hoặc một danh mục đầu tư bất kỳ nào của giao dịch và đóng góp của nó vào tỷ suất lợi nhuận chung của doanh nghiệp. Xét với ngân hàng, FTP cho phép ngân hàng phân bổ doanh thu nội bộ của ngân hàng cho các nhà cung cấp vốn và chi phí nội bộ cho người dùng vốn. Trong trường hợp này, việc áp dụng FTP có thể dẫn đến một báo cáo về lợi nhuận của chi nhánh/sản phẩm thể hiện

một thước đo hợp lý về sự đóng góp của chi nhánh/sản phẩm vào lợi nhuận của toàn hệ thống ngân hàng đó.

Theo hệ thống định giá chuyển giao, thông tin về đánh giá hiệu suất của từng đơn vị được báo cáo trên cơ sở nguồn gốc tạo ra kết quả và cá nhân chịu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi việc đo lường hiệu suất của các đơn vị kinh doanh chỉ có thể được thực hiện dựa trên các yếu tố đặt dưới sự kiểm soát của các đơn vị kinh doanh đó và quan trọng là phải tách các chi phí có thể kiểm soát khỏi các chi phí không thể kiểm soát được. Nếu người quản lý được đánh giá dựa trên các yếu tố không thể kiểm soát, khi đó việc đánh giá hiệu suất không thể đạt được mục tiêu mang tính động viên như mong muốn đối với người quản lý, đặc biệt là nếu xem xét đến ảnh hưởng của các yếu tố này đến hiệu suất khi quyết định các chính sách khen thưởng hay xử phạt.

Việc vận hành định giá chuyển giao ảnh hưởng đến việc đo lường, đánh giá và khen thưởng, từ đó tác động đến nhận thức về sự công bằng của từng nhà quản lý. Các số liệu đóng góp lợi nhuận thu được từ hệ thống định giá chuyển giao thường được sử dụng để đo lường và đánh giá hiệu suất cũng như để hỗ trợ quá trình ra quyết định, cũng như những kết quả này cũng được sử dụng để xây dựng các quy định nhằm động viên khuyến khích. Trong những trường hợp này, định giá chuyển giao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của nhân viên và do đó có tác động thực sự đến tất cả các chiến lược của doanh nghiệp.

Tối đa hóa quyền tự chủ của đơn vị

Khi đóng vai trò khuyến khích các nhà quản lý để tăng hiệu quả, hệ thống định giá chuyển giao cũng không làm mất quyền tự chủ của các đơn vị. Các nhà quản lý đơn vị kinh doanh trong một tổ chức có mong muốn được tự do thỏa mãn nhu cầu của chính họ ở bên trong hoặc bên ngoài với mức giá tốt nhất có thể. Hệ thống định giá chuyển giao không nên can thiệp vào quá trình trong đó các đơn vị sử dụng vốn cố gắng giảm thiểu chi phí và các đơn vị cung cấp vốn phấn đấu để tối đa hóa doanh thu của mình. Trong một tổ chức tài chính, các bộ phận cung cấp vốn cố gắng tối đa hóa doanh thu của mình từ các khoản tiền được chuyển và người sử dụng vốn cố gắng giảm thiểu giá chuyển giao trên số tiền được chuyển cho họ. Tình huống này có thể phức tạp hơn khi có những hạn chế đối với các đơn vị quản lý cao nhất. Ví dụ một ngân hàng có thể đưa ra một quy tắc để qua đó ngăn không cho một đơn vị sử dụng tiền từ thị trường bên

ngoài cho đến khi sử dụng hết tiền nội bộ, hoặc chính sách áp đặt một số nguồn vốn cụ thể có thể được mua từ bên ngoài mà không có sự chấp thuận của bộ phận quản lý trung ương. Trong trường hợp này, giả sử có các phán đoán giá trị ngầm và các chuẩn mực hành vi vốn có trong hệ thống đánh giá và khen thưởng hiệu suất, việc các nhà quản lý bộ phận tham gia vào những gì có thể được quản lý bởi trung ương được coi là hành vi làm rối loạn chức năng tổ chức của hệ thống. Để giảm thiểu vấn đề này, nên thiết lập một hệ thống định giá chuyển giao tối ưu để đảm bảo rằng tối đa hóa lợi nhuận của tổ chức cũng như của các đơn vị có thể cùng tồn tại với quyền tự chủ hoạt động của các nhà quản lý đơn vị.

Tuy nhiên khi quyền tự chủ của các đơn vị càng lớn, việc đánh giá hiệu suất phải càng chặt chẽ để duy trì mức độ kiểm soát cần thiết. Với chức năng quan trọng của định giá chuyển giao trong việc phối hợp hành động của các đơn vị kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau, quyền tự chủ của các đơn vị càng lớn, định giá chuyển giao càng phải được thiết kế để giám sát và kiểm soát các đơn vị kinh doanh.

Tóm lại, định giá chuyển giao nhằm mục đích đạt được một số mục tiêu quan trọng cho một doanh nghiệp nói chung hay như một ngân hàng nói riêng, rất khó để thiết lập một hệ thống định giá chuyển giao hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhưng điều quan trọng là phải xem xét đồng thời các mục tiêu quan trọng nhất, phù hợp với định hướng và chiến lược kinh doanh của từng tổ chức trong từng thời kỳ. Các tổ chức khác nhau có thể có cấu trúc tổ chức khác nhau và phải đối mặt với các tác động từ môi trường bên ngoài khác nhau. Do đó, họ có thể tập trung vào các mục tiêu khác nhau và hệ thống định giá chuyển giao được thiết lập phải tìm cách đạt được các mục tiêu mà tổ chức đặt ra.

Phần tiếp theo của quyển sách sẽ thảo luận về cách thức quản lý vốn của ngân hàng, ở đó sẽ cho thấy cách mà ngân hàng tổ chức để xử lý hoạt động đặc thù trong cho vay và huy động vốn nhằm vận hành hệ thống luân chuyển vốn của mình một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt quá trình ngân hàng phân cấp thành các đơn vị kinh doanh rồi tập trung chức năng quản lý vốn về một cơ quan chuyên trách sẽ cho thấy tính linh hoạt của ngân hàng gắn với chủ đề mà quyển sách đang nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Sách chuyên khảo ĐỊNH GIÁ ĐIỀU CHUYỂN VỐN NỘI BỘ CHO NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)