Đặc điểm phát triển định giá điều chuyển vốn nội bộ trong xu thế hiện đạ

Một phần của tài liệu Sách chuyên khảo ĐỊNH GIÁ ĐIỀU CHUYỂN VỐN NỘI BỘ CHO NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 178 - 181)

Nam, tập trung vào vấn đề phát triển hệ thống FTP phục vụ hoạt động kinh doanh và quản trị ngân hàng. Sau đó mô hình FTP tham khảo được trình bày, trong đó các khía cạnh về xác định giá điều chuyển vốn ngân hàng, quá trình điều chuyển vốn cùng những yêu cầu về một hệ thống đo lường hiệu suất hiệu quả, quản trị rủi ro phù hợp cũng được trình bày.

7.1 Đặc điểm phát triển định giá điều chuyển vốn nội bộ trong xu thế hiện đại ngành ngân hàng ngành ngân hàng

Việt Nam đã trải qua những giai đoạn ghi nhận những kết quả đáng kể về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đặt ra. Ngoài ra quá trình cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng được đẩy mạnh, hướng đến nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị của các ngân hàng, làm động lực hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Mặc dù có những điểm tích cực tuy nhiên ngân hàng cũng là ngành luôn thường trực với rủi ro. Đó là nguy cơ rủi ro tín dụng phát sinh nếu ngân hàng không thực hiện tốt công tác quản lý giám sát, nguy cơ rủi ro thanh khoản cũng tăng cao và lãi suất thị trường biến động, gắn liền với sự tồn tại của trạng thái bất cân xứng kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn, làm gia tăng nguy cơ rủi ro lãi suất.

Trong bối cảnh đó, định hướng về chiến lược phát triển của các ngân hàng Việt Nam tập trung vào mục tiêu xây dựng các ngân hàng hiện đại, đẩy mạnh hoàn thiện chuẩn hóa mô hình tổ chức, thành lập các khối kinh doanh, khối quản trị rủi ro, khối

vận hành, khối tài chính,... nhằm tập trung chức năng quản lý xuyên suốt các lĩnh vực hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành từ trụ sở chính đến chi nhánh. Ở đó, vai trò của hệ thống FTP sẽ ngày càng được nổi bật và các ngân hàng phải phân bổ nguồn lực hợp lý để phát triển hệ thống quản lý rủi ro, đánh giá hiệu suất hiệu quả này.

Không dừng lại ở đó, sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành dịch vụ tài chính đã làm giảm tiềm năng của các hoạt động truyền thống để tài trợ cho các khoản vay thông qua tiền gửi. Bối cảnh ngành hiện nay buộc chúng ta phải xem xét lại các cách tiếp cận truyền thống để nâng cao hiệu quả của các ngân hàng: tăng sự chú ý đến việc tạo ra vốn ngân hàng nội bộ, đổi mới tài chính, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, giảm chi phí quản lý,… hướng đến sự bền vững kinh doanh và đây là một trong những lý do chính tại sao xây dựng quy trình điều chuyển vốn nội bộ và giá điều chuyển rất quan trọng đối với các ngân hàng.

Chương trình FTP có lẽ không còn mới lạ đối với các ngân hàng Việt Nam, khi mà hầu hết các ngân hàng đều đã áp dụng trên những nền tảng công nghệ và phương pháp vận hành cốt lõi khác nhau. Từ đầu thập niên 90, một số đơn vị nước ngoài đã từng sang Việt Nam để chào bán mô hình thí điểm trong đào tạo chương trình FTP nhưng chi phí khá đắt, không nhiều ngân hàng Việt Nam bấy giờ có khả năng đáp ứng với công cụ tích hợp rất nhiều lợi ích này. Hơn thế nữa, có thể nói cơ chế FTP tập trung vào những ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá và quản lý nội bộ của ngân hàng, chưa tác động ngay đến khách hàng nên ít thu hút sự quan tâm phân tích của xã hội.

Hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay gắn với mạng lưới rộng, nhiều chi nhánh và quy mô hoạt động lớn. Trong điều chuyển vốn nội bộ, các ngân hàng áp dụng đa dạng các phương pháp FTP khác nhau từ phương pháp đơn giá, đa nhóm giá đến phương pháp khớp kỳ hạn được trang bị hệ thống công nghệ nền tảng vận hành tiên tiến. Việc ứng dụng là không hoàn toàn đồng nhất giữa các ngân hàng. Có ngân hàng có quy mô lớn, mạng lưới rất rộng nhưng áp dụng phương pháp đơn nhóm giá vốn chỉ nên sử dụng như là phương pháp sơ khởi và cần phát triển phương pháp chi tiết hơn. Chính vì sử dụng phương pháp không phù hợp nên có ngân hàng đã gặp khá nhiều khó khăn trong điều chuyển vốn nội bộ, trong quản lý rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất, hiệu quả đồng vốn thấp. Trái lại có ngân hàng đã chủ động với phương pháp tiếp cận

khớp kỳ hạn, sẵn sàng bỏ nguồn vốn đầu tư lớn để đảm bảo vận hành hệ thống điều chuyển vốn hiệu quả nhất, đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng.

Theo xu hướng hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng và theo yêu cầu đòi hỏi Basel II và Basel III, các ngân hàng cần xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, khách quan đảm bảo hoạt động ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay hầu hết các ngân hàng của Việt Nam đều đã có một hệ thống công nghệ hiện đại, trang bị máy tính cho toàn thể nhân viên, có trung tâm xử lý dữ liệu và phần mềm kế toán khách hàng nối mạng toàn ngành theo mô hình giao dịch phân tán và xử lý dữ liệu tập trung. Tại từng ngân hàng đều có cơ sở dữ liệu chi tiết đến từng giao dịch và được xử lý, lưu trữ tập trung tại trụ sở chính. Đây là đặc điểm thuận lợi cho từng ngân hàng trong hệ thống khi chuyển sang áp dụng các phương pháp FTP hiện đại với yêu cầu nền tảng công nghệ cao trong điều chuyển vốn nội bộ.

Việc định hướng nghiên cứu, áp dụng phương pháp FTP phù hợp, hiện đại cho hoạt động điều chuyển vốn nội bộ của các ngân hàng tại Việt Nam không phải theo phong trào nữa, mà đã trở thành nhu cầu cấp thiết để các ngân hàng tồn tại và phát triển trong môi trường đầy cạnh tranh hiện nay. Đồng thời thực tế cho thấy các ngân hàng đã hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để áp dụng phương pháp FTP trên nền tảng công nghệ được trang bị cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ trong điều chuyển vốn nội bộ của mình.

Trong bối cảnh hoạt động của các ngân hàng hiện nay, hệ thống FTP phù hợp nhất đã được đề xuất sau khi kiểm tra và phân tích chặt chẽ các phương pháp được áp dụng. Cách tiếp cận khớp kỳ hạn có nhiều tính năng vượt xa các mô hình khác bằng cách gán giá cho từng giao dịch đơn lẻ làm cho nó có lợi nhất cho các ngân hàng. Tuy nhiên, mô hình này cho thấy sự phức tạp và có các khu vực chức năng tích hợp cao để xác định các giao dịch riêng lẻ, do đó rõ ràng là nó có thể đòi hỏi đầu tư lớn và nhiều tiện ích để thiết lập và duy trì hệ thống ứng dụng mong muốn. Một hạn chế khác của cách tiếp cận này là nó đưa ra một thách thức lớn đối với các ngân hàng hoạt động trong thị trường tài chính có tính kết nối cao. Vì có rủi ro cao trong các thị trường như vậy, việc triển khai mô hình có thể khá khó khăn, đặc biệt với hệ thống ngân hàng Việt Nam có nhiều ngân hàng với quy mô nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển và nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Cùng với đó thì hiển nhiên có thể thấy, một cách tiếp cận nhóm giá duy

nhất không còn phù hợp với các tổ chức tài chính hoạt động trên phạm vi quốc tế, giống như giai đoạn hiện tại của các ngân hàng Việt Nam. Sự đơn giản của nó có thể là một lợi thế nhưng khả năng quản lý rủi ro và đo lường hiệu quả kinh doanh được xem xét chắc chắn là một nhược điểm khó chấp nhận trong môi trường cạnh tranh ngày nay.

Ý tưởng tạo ra một cơ chế FTP đơn giản, đảm bảo hài hoà giữa phương pháp đơn nhóm giá và phương pháp khớp kỳ hạn, đã được nhận thấy rằng phù hợp với các tính năng của phương pháp đa nhóm giá mà trong số các lợi ích khác có tiềm năng phản ánh các điều kiện thị trường thực tế cũng như có lãi suất linh hoạt. Chính vì lý do này mà tác giả khuyến nghị phương pháp này đặc biệt phù hợp đối với các ngân hàng có nhiều người dùng và nhà cung cấp cũng như danh mục tài trợ không ổn định. Ngược lại, phương pháp này có những điểm yếu riêng có thể bao gồm từ yêu cầu cao đối với việc sử dụng quỹ đến quy trình thực hiện phức tạp khi so sánh với một phương pháp tiếp cận đơn giá. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn đáp ứng các yêu cầu của mô hình FTP được đề xuất vì tính đơn giản của nó.

Rõ ràng các ngân hàng có thể nhận ra rằng FTP là một công cụ quan trọng để đối phó với rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh của tổ chức. Tuy nhiên, các ngân hàng khách nhau có thể có mô hình kinh doanh đặc thù, với những đặc điểm riêng của họ trong bối cảnh ở cùng một hệ thống ngân hàng và cạnh tranh với những ngân hàng khác. Mô hình kinh doanh của các ngân hàng sẽ có những đối tượng mục tiêu khách hàng nằm trong chiến lược kinh doanh riêng, cũng phản ánh quy mô của chính ngân hàng, loại hình cho vay mà nó đảm nhận, tiềm lực và cơ cấu vốn. Do các yếu tố này, mỗi ngân hàng cần phát triển một cách tiếp cận riêng với FTP có tính đến các thuộc tính riêng của mình để phát triển khung FTP mang lại lợi thế cạnh tranh.

Với một bức tranh rõ ràng về vai trò của cơ chế FTP đối với hoạt động của các ngân hàng và để đạt được mục đích chính của quyển sách này, phần tiếp theo của chương này sẽ trình bày một mô hình FTP đơn giản hóa, với trọng tâm chính hướng đến là những yêu cầu về hoàn thiện hệ thống thay vì khía cạnh kỹ thuật trong xây dựng mô hình và cấu trúc giá điều chuyển.

Một phần của tài liệu Sách chuyên khảo ĐỊNH GIÁ ĐIỀU CHUYỂN VỐN NỘI BỘ CHO NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 178 - 181)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)