Trong giới hạn của quyển sách này, ALCO được giới thiệu để quản lý tập trung các rủi ro ngoài tầm kiểm soát của các đơn vị kinh doanh của ngân hàng. ALCO là một trung tâm quản lý vốn của ngân hàng mà trong đó không những tiền của ngân hàng mà các rủi ro liên quan cũng được quản lý. Việc tập trung các rủi ro phát sinh của ngân hàng làm cho các rủi ro được quản lý hiệu quả hơn do có trách nhiệm riêng trong việc
quản lý rủi ro. Khi các rủi ro khác nhau được tập trung trong ALCO và theo lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại của Markowitz (1952) cho thấy rằng, nếu người ta đặt hai nhóm tài sản có rủi ro lại với nhau, rủi ro khi được kết hợp sẽ giảm đi do hiệu ứng đa dạng hóa. Với sự xuất hiện của ALCO, các nhà quản lý của các đơn vị kinh doanh ngân hàng không còn bị ảnh hưởng bởi các rủi ro ngoài tầm kiểm soát của họ và có thể tập trung nỗ lực của họ vào việc khai thác tối đa hiệu quả kinh doanh từ các sản phẩm ngân hàng và các chiến lược bán hàng.
Tất cả các khoản vốn giao dịch được thiết kế để chảy qua ALCO, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các rủi ro liên quan đến các giao dịch vốn được chuyển tập trung về ALCO. Theo đó, điều này làm cho ALCO trở thành điểm tựa hoạt động như một người quản lý rủi ro. ALCO được thiết kế để thực hiện giao dịch vốn với các thị trường bên ngoài và chủ động để phòng ngừa rủi ro. Điều này tạo điều kiện cho ALCO thực hiện các chiến lược phòng ngừa rủi ro khác nhau để quản lý rủi ro của mình. ALCO có thể thực hiện ba hành động để quản lý rủi ro là: (i) Không làm gì với rủi ro, (ii) Phòng ngừa rủi ro hoàn toàn, hoặc (iii) Phòng ngừa rủi ro một phần. Nếu ALCO không làm gì với rủi ro, họ sẽ nhận được tiền lãi (lỗ) từ việc giả định rủi ro. Chiến lược phòng ngừa một phần có thể được áp dụng để thay đổi cấu trúc rủi ro của các nguồn vốn trong ALCO. Chiến lược này sẽ cho phép ALCO duy trì mức độ nhất định đối với các rủi ro ngân hàng. ALCO cũng có thể phòng ngừa rủi ro đầy đủ bằng cách thực hiện các giao dịch với các trạng thái trường/đoản thông qua thị trường vốn liên ngân hàng.
Quản lý danh mục FTP
Việc cố định mức lãi suất cho các giao dịch của ngân hàng đòi hỏi phải chuyển lãi suất và rủi ro thanh khoản cho các danh mục FTP. Danh mục được quản lý bởi ALCO, tuy nhiên trên cơ sở hàng ngày, trung tâm vốn quản lý toàn bộ nhóm giao dịch.
Trung tâm vốn theo hướng dẫn của ALCO sẽ quản lý rủi ro của danh mục FTP. Trung tâm vốn có các sổ giao dịch, giao dịch với thị trường cả về lợi nhuận và đóng các giao dịch sổ ngân hàng; và sổ ngân hàng, có nhiệm vụ quản lý dư thừa hoặc thiếu vốn. Trung tâm vốn có thể vay và cho vay trên thị trường, để đảm bảo mức tài trợ cần thiết. Việc chuyển tất cả các giao dịch FTP sang hệ thống trung tâm tốn sẽ cung cấp thông tin chi tiết về lãi suất và rủi ro thanh khoản của toàn bộ bảng cân đối kế toán. Những rủi ro này được cụ thể hóa trong danh mục FTP tổng thể do sự không khớp về nguồn tài trợ
của ngân hàng, gây ra bởi các nguồn vốn và việc sử dụng các quỹ có các điều khoản, số tiền hoặc ngày bắt đầu không khớp nhau. Sự không khớp này chủ yếu bao gồm sự khác biệt về khối lượng và kỳ hạn. Thành phần không khớp kỳ hạn là kết quả của sự không cân xứng giữa bên kỳ hạn ngắn hơn và bên kỳ hạn dài hơn của bảng cân đối kế toán. Thông thường thì tài trợ cho các khoản vay có lãi suất cố định dài hạn với tiền gửi ngắn hạn có rủi ro từ việc lãi suất có thể tăng, chi phí lãi tiền gửi sẽ tăng trong khi thu nhập lãi từ khoản vay sẽ không đổi.
Tuy nhiên, các khoản vay và tiền gửi được ghi nhận trong các báo cáo tài chính bằng cách sử dụng nguyên tắc kế toán dồn tích, có nghĩa là chúng được trình bày theo giá trị danh nghĩa và chỉ được điều chỉnh đối với rủi ro tín dụng. Giá trị sổ sách của chúng không phản ánh ảnh hưởng tiềm năng của thay đổi lãi suất thị trường đối với lợi nhuận trong tương lai.
Để cho phép quản lý rủi ro lãi suất và thanh khoản, tất cả các giao dịch trong danh mục đầu tư FTP cần phải được trung tâm vốn quan sát được. Điều này có thể được thực hiện với điều kiện là hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng chịu trách nhiệm theo dõi các giao dịch thị trường để có thể liên kết với cơ sở dữ liệu về các giao dịch FTP. Trung tâm vốn sau đó có thể quản lý tất cả các giao dịch và đóng giao dịch với thị trường khi cần thiết. Mục tiêu của quản lý tài sản và nguồn vốn là không phải loại bỏ tất cả sự không khớp về nguồn tài trợ mà là để kiểm soát chúng, vì chúng là một nguồn lợi nhuận của ngân hàng. Để thực hiện mục tiêu này, ALCO sử dụng một số kỹ thuật quản lý rủi ro lãi suất đi kèm với kế toán giá trị thị trường, ví dụ như phân tích thời hạn hoặc phân tích dòng tiền. Để quản lý thanh khoản, phân tích dòng tiền được kết hợp với phân tích chênh lệch và phân tích kịch bản cũng có thể được sử dụng. Các vấn đề này nằm ngoài phạm vi của quyển sách này.
Phụ lục: Tổng quan về các loại rủi ro được xem xét trong cơ chế định giá điều chuyển vốn nội bộ của ngân hàng
1. Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng được xem là khả năng mà khách hàng vay không thực hiện được các nghĩa vụ của mình theo những điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng vay vốn giữa các bên. Nó đề cập đến rủi ro thất thoát đối với một ngân hàng khi mà có bất kỳ sự vi phạm nghiêm trọng nào đối với nghĩa vụ hợp đồng khi hoàn trả gốc và/ hoặc lãi từ khách hàng vay. Rủi ro tín dụng gồm có rủi ro giao dịch và rủi ro danh mục. Công thức xác định giá FTP có xem xét đến yếu tố này và lồng ghép nó vào quy trình xây dựng giá điều chuyển.
Rủi ro giao dịch
Rủi ro giao dịch là một hình thức của rủi ro tín dụng mà nguyên nhân phát sinh là do những hạn chế trong quá trình giao dịch và xét duyệt cho vay, đánh giá khách hàng. Rủi ro giao dịch có ba bộ phận chính là rủi ro lựa chọn, rủi ro bảo đảm và rủi ro nghiệp vụ.
Rủi ro danh mục
Rủi ro tín dụng có thể được hạn chế bằng cách đảm bảo rằng danh mục cho vay tuân thủ các giới hạn cho vay đảm bảo tính an toàn và sinh lời. Các giới hạn bao gồm tập trung vào loại khách hàng, giới hạn địa lý, giới hạn khu vực kinh tế, kỳ hạn danh mục cho vay,…
Sau khi khoản vay được đưa ra, rủi ro tín dụng được quản lý ở cấp độ danh mục cho vay. Việc quản lý bao gồm giám sát các đặc điểm danh mục và xác định các khoản vay không phù hợp. Có các yêu cầu pháp lý cho ngân hàng để thiết lập các quy định cho khoản vay kém. Mức độ của các điều khoản này thay đổi theo các quy định pháp lý được thông qua ở các quốc gia cụ thể. Hầu như tất cả các khoản vay được chia thành nhiều loại dựa trên sự chậm trễ thanh toán và tình hình tài chính của người đi vay, và một mức quy định cụ thể cho từng loại được yêu cầu.
Tổng mức dự phòng so với tổng danh mục cho vay, cho thấy tổng rủi ro tín dụng được hạch toán bởi một ngân hàng. Nó có thể được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm, định lượng rủi ro trung bình của các khoản vay. Do đó, lãi suất hay các mức giá được thiết lập cho các khoản vay khác nhau phải đủ để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra.
2. Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản là kết quả của sự chuyển đổi kỳ hạn hiện hữu trong từng sản phẩm. Nó xuất hiện cho các ngân hàng vì một thực tế rằng các khoản vay, về nguyên tắc, có kỳ hạn dài hơn tiền gửi. Người gửi tiền thường yêu cầu quyền tiếp cận trực tiếp và lập tức với tiền của họ, nghĩa là họ đồng ý cho vay ngân hàng trong thời gian ngắn vì sợ họ sẽ không thể sử dụng tiền của mình khi có nhu cầu. Ngược lại, người vay cần tài trợ dài hạn, trong một vài năm trong trường hợp cho vay vốn lưu động hoặc trong vài chục năm với các khoản vay dự án dài hạn. Hậu quả là rủi ro thanh khoản là sự không phù hợp trong tính chất đáo hạn giữa tài sản và nợ phải trả. Điều này đòi hỏi một ngân hàng bắt buộc phải có phương án để có thể thực hiện nghĩa vụ hiện tại của mình với khách hàng. Hiệu ứng không khớp kỳ hạn này đối với ngân hàng có thể được hỗ trợ dễ dàng với phương pháp FTP.
Đo lường rủi ro thanh khoản nhằm ước tính chi phí thực tế của nguồn vốn thị trường, đôi khi có thể khác với lãi suất thị trường. Chi phí thanh khoản thêm này có thể được bao gồm trong công thức giá điều chuyển FTP, để phản ánh các điều kiện thị trường hiện tại mà một ngân hàng phải đối mặt.
Đo lường rủi ro thanh khoản
Một số biện pháp có thể được sử dụng để xác định rủi ro thanh khoản. Biện pháp cơ bản nhất được sử dụng bởi các doanh nghiệp nói chung là tỷ lệ tài sản lưu động so với nợ phải trả, phải lớn hơn một. Biện pháp tĩnh này có thể được tăng cường bằng cách phân tích tất cả các tài sản và nợ phải trả theo cấu trúc kỳ hạn của chúng. Một phân tích về các khoản thanh toán lãi và gốc theo hợp đồng cho các khoản vay và tiền gửi, được chia theo thang kỳ hạn của chúng, cho phép xác định xem tại một thời điểm nhất định có thiếu thanh khoản hay không. Phân tích này có thể được cải thiện bằng cách giả định các kịch bản khác nhau về nhu cầu thanh khoản.
Quản lý thanh khoản ngắn hạn
Quản lý thanh khoản nhằm đảm bảo tính phù hợp về cấu trúc đáo hạn của tài sản và nợ phải trả. Trong một tình huống hoàn hảo, có đủ tài sản trong tất cả các phân khúc của thang kỳ hạn thanh khoản để trang trải các khoản nợ, tuy nhiên điều này hiếm khi diễn ra. Phương pháp quản lý cơ bản là duy trì tài sản lưu động dư thừa dưới dạng chứng
khoán có thể bán được (tốt nhất là tín phiếu kho bạc) để đáp ứng nhu cầu thanh khoản phát sinh không lường trước.
Thị trường liên ngân hàng cũng là một kênh quan trọng để quản lý thanh khoản cho các ngân hàng, phổ biến với các khoản vay liên ngân hàng. Tuy nhiên, nhu cầu thanh khoản tài chính trên thị trường liên ngân hàng mang một số rủi ro. Mặc dù lãi suất giao dịch có thể đã được biết, chi phí thanh khoản cho một ngân hàng cụ thể có thể khác nhau do một số yếu tố. Một ngân hàng nhỏ, với vị thế thấp, có vấn đề về khả năng thanh toán có thể không thể có được các khoản nợ ở một mức giá hợp lý. Trong thời kỳ khủng hoảng thanh khoản thị trường, các khoản tài trợ có thể không có sẵn. Ngân hàng trung ương với tư cách là người cho vay cuối cùng, thường sẽ giúp đỡ trong những trường hợp như vậy, mặc dù với giá cao hơn đáng kể so với trên thị trường liên ngân hàng.
Quản lý thanh khoản dài hạn
Do sự thiếu hụt thanh khoản tiềm năng của thị trường, tài trợ dài hạn là thích hợp hơn cho vấn đề quản lý thanh khoản. Nói chung, tài trợ cho các tài sản dài hạn với các khoản nợ có kỳ hạn ngắn gây ra rủi ro rằng lãi suất tiền gửi sẽ được điều chỉnh bất lợi, trong khi lãi suất cho các khoản vay sẽ không thay đổi. Trong khi quản lý thanh khoản ngắn hạn bao gồm bán tài sản lưu động và vay trên thị trường tiền tệ, quản lý thanh khoản dài hạn tập trung chủ yếu vào việc đảm bảo nguồn vốn ổn định. Trong một ngân hàng, nhiệm vụ này cũng được giao cho ALCO.
ALCO có thể quản lý thanh khoản thông qua việc sử dụng thị trường vốn, về phía nợ phải trả bằng cách vay từ phát hành chứng khoán nợ và tăng vốn, hoặc về phía tài sản bằng cách bán hoặc bảo đảm một số khoản vay cho các quỹ. Hơn nữa, ALCO có thể quản lý tất cả các mục trong bảng cân đối kế toán bằng cách thay đổi giá sản phẩm. Việc tăng lãi suất cho các sản phẩm được cung cấp cho khách hàng ảnh hưởng đến khả năng bán hàng, dẫn đến việc hạn chế mở rộng cho vay và khuyến khích tăng trưởng tiền gửi nếu cần thiết. Để làm như vậy, ALCO được trang bị các công cụ đặc biệt, ví dụ như biên thanh khoản vốn được lồng ghép trong công thức tính giá FTP, để phản ánh chi phí tài chính thị trường hiện tại và các tỷ suất lợi nhuận khác.
3. Rủi ro lãi suất
Rủi ro lãi suất là rủi ro chính mà một ngân hàng phải đối mặt, do hoạt động của ngân hàng là trung gian giữa khách hàng và thị trường tài chính dẫn đến việc tạo ra tài
sản và nợ phải trả với các đặc điểm lãi suất khác nhau. Giá sản phẩm có thể được cố định trong suốt thời gian giao dịch hoặc linh hoạt khi lãi suất được điều chỉnh, tại các khoảng thời gian được chỉ định trước.
Rủi ro lãi suất là kết quả của độ co giãn không đồng đều của việc điều chỉnh lãi suất tài sản và nợ phải trả theo lãi suất thị trường. Ví dụ, nếu độ co giãn của tài sản cao hơn nợ phải trả và lãi suất thị trường giảm, lãi suất trung bình của các khoản vay giảm nhiều hơn lãi trả cho tiền gửi, dẫn đến thu nhập lãi ròng giảm. Ước tính độ co giãn lãi suất cho tất cả các sản phẩm ngân hàng là cần thiết để chọn giá điều chuyển FTP phù hợp.
Đo lường rủi ro lãi suất
Có rất nhiều phương pháp để đo lường rủi ro lãi suất. Phương pháp cơ bản nhất để đo lường rủi ro lãi suất là phân tích khe hở (gap analysis). Trong mô hình này, tất cả các tài sản và nợ phải trả được đặt theo thang kỳ hạn, được chia thành các khoảng thời gian. Một khoản vay hoặc tiền gửi được phân bổ cho một khoảng thời gian dựa trên thời điểm khi lãi suất của nó được điều chỉnh. Sau khi tất cả các sản phẩm được chia theo khoảng thời gian khi lãi suất của chúng có thể thay đổi, sự khác biệt giữa tài sản và nợ phải trả trong mỗi phân khúc được tính toán. Nếu kết quả này là dương, nhiều khoản vay hơn tiền gửi sẽ điều chỉnh lãi suất trong khung thời gian cụ thể, dẫn đến mối tương quan tích cực của việc tăng lãi suất và thu nhập lãi. Khi khe hở gần bằng 0, rủi ro lãi suất được giảm thiểu. Khe hở tích lũy là tổng của tất cả các khe hở riêng lẻ trong các khoảng thời gian khác nhau. Để thể hiện tác động đến thu nhập lãi, khe hở có thể được nhân với thay đổi lãi suất. Việc phân tích khe hở cần được tăng cường bằng cách đo độ co giãn của các sản phẩm khác nhau trong một phân đoạn. Mô hình khe hở đơn giản giả định rằng khi lãi suất của một sản phẩm được điều chỉnh trong một phân khúc, nó sẽ được điều chỉnh theo số tiền mà lãi suất thị trường thay đổi. Tuy nhiên, độ co giãn của sản phẩm có thể khác nhau. Các khoản vay và tiền gửi khác nhau có thể có mức độ phản