5.2.1 Phạm vi quản lý rủi ro
Một trong những mục tiêu chính của ngân hàng khi triển khai phân cấp giữa các phòng ban chức năng là quản lý rủi ro ngân hàng, theo đó cơ chế FTP phải tạo điều kiện cho các nhà quản lý đơn vị kinh doanh ngân hàng kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả. Quản lý cấp cao của ngân hàng phải phân tách rủi ro trong các sản phẩm ngân hàng để các rủi ro này có thể được chuyển giao cho các đơn vị có quyền hạn và đầy đủ chức năng kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, do sự phát triển ngày càng phức tạp của thị trường tài chính và yếu tố cạnh tranh gia tăng, các ngân hàng đã phải chịu nhiều hơn áp lực của các loại rủi ro liên quan đến các tài sản của mình. Khi đó, việc cô lập các rủi ro liên quan đến các ngân hàng được xem là rất thách thức.
Việc chuyển đổi tài sản dẫn đến các loại rủi ro khác nhau, được chuyển từ khách hàng sang ngân hàng. Các rủi ro tiềm ẩn cho các đơn vị kinh doanh của ngân hàng cần được phân tách rõ ràng, sau đó phân bổ lợi nhuận từ việc quản lý rủi ro cho đơn vị chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát rủi ro là nguyên tắc cần có của một cơ chế FTP hiệu quả mà ngân hàng cần có khả năng tích hợp với quy trình quản lý rủi ro. Cơ chế FTP ngân hàng nhằm mục đích tăng cường quy trình quản lý rủi ro ngân hàng hiệu quả. Vấn đề của ngân hàng là không phải triệt tiêu được toàn bộ rủi ro, mà là sử dụng các công cụ để giảm thiểu chúng đến mức thấp nhất trong giới hạn cho phép. Các loại rủi ro mà ngân hàng có thể phải đối mặt đó là: rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản và rủi ro tỷ giá. Tất cả các rủi ro này có liên quan đến quá trình vận hành FTP của ngân hàng.
Rủi ro lãi suất được ước tính bằng một mức lãi suất được sử dụng trong công thức xác định giá điều chuyển. Ngân hàng cần ước tính đặc điểm rủi ro lãi suất cho tất cả các sản phẩm của mình để chọn phương trình giá điều chuyển phù hợp nhất cho từng sản phẩm. Rủi ro thanh khoản, được hiểu là rủi ro khi mà chi phí tài trợ vượt quá lãi suất thị trường, được tính toán trực tiếp vào giá điều chuyển dưới dạng mức biên bổ sung. Trong khi đó rủi ro tỷ giá liên quan đến việc ngân hàng có cơ cấu tài sản gắn liền với nhiều loại tiền tệ. Tác động của rủi ro lãi suất, tỷ giá và thanh khoản đối với bảng cân
đối tài sản của ngân hàng và kết quả kinh doanh được chỉ ra bởi phương pháp FTP. Phần mình thì rủi ro tín dụng cũng có liên quan đến FTP, vì nó cũng cần được kết hợp trong giá cả cho các sản phẩm15.
Nội dung chi tiết về từng loại rủi ro sẽ được trình bày trong phần phụ lục của chương. Trong khi đó các vấn đề minh hoạ cho quản trị rủi ro và vai trò của ALCO khi ngân hàng sử dụng công cụ FTP để quản lý các rủi ro sẽ được trình bày trong phần tiếp theo.
Tập trung kiểm soát rủi ro lãi suất tại trung tâm vốn
Khi áp dụng cơ chế FTP, các đơn vị kinh doanh sẽ bán vốn huy động về trung tâm vốn của trụ sở chính và mua vốn cho vay từ trung tâm vốn với cùng số lượng và kỳ hạn, toàn bộ rủi ro về lãi suất và kỳ hạn đều được tập trung về trung tâm vốn của trụ sở chính. Cơ chế quản lý vốn tập trung không chỉ đã hạn chế được sự quản lý vốn chồng chéo, không chuyên nghiệp và phân tán nhân lực tại các đơn vị kinh doanh, mà còn chủ động quản lý rủi ro lãi suất tại trung tâm vốn, từ đó bảo vệ các đơn vị kinh doanh khỏi sự biến động khó kiểm soát được từ thị trường.
Tập trung thanh khoản về trung tâm vốn
Tất cả các giao dịch về dòng tiền hay nhu cầu về nguồn vốn của các chi nhánh đều được tập trung về trung tâm vốn của trụ sở chính, từ đó giúp cơ quan này chủ động hơn trong việc cân đối và điều tiết vốn giữa các đơn vị kinh doanh, giải quyết tốt bài toán thanh khoản trên toàn hệ thống. Hệ thống FTP vận hành đã hỗ trợ cho toàn bộ các đơn vị kinh doanh, không cần phải quan tâm đến nguồn vốn thanh toán, để từ đó được tạo điều kiện tập trung toàn lực cho việc chào bán sản phẩm và phát triển các chiến lược kinh doanh.
Tập trung quản lý các loại tiền tệ về trung tâm vốn
Phương pháp FTP khớp kỳ hạn là phương pháp duy nhất cho phép chuyển rủi ro lãi suất hợp lý từ doanh nghiệp, để lại một mức lãi suất cố định, bên cạnh bản chất hiển nhiên của bất kỳ mô hình FTP nào trong việc cân đối thanh khoản. Ngoài ra với mỗi đường cong lãi suất FTP, ngân hàng có thể xây dựng nó cho mỗi loại tiền tệ riêng biệt và từ đó quản lý vấn đề về tỷ giá cho ngân hàng thay mặt cho các đơn vị kinh doanh.
15 Nội dung chi tiết về cách thức lồng ghép của yếu tố rủi ro vào công thức định giá điều chuyển được trình bày ở mục 3.4. Các yếu tố cấu thành của giá điều chuyển vốn nội bộ của Chương 3.
Tuy nhiên, đối với các giao dịch nước ngoài, rủi ro tỷ giá phần nào vẫn nằm trong chi nhánh. Một số biến thể của phương pháp FTP khớp kỳ hạn cố gắng khắc phục vấn đề này, bằng cách đặt tỷ giá hối đoái cố định cho các giao dịch dựa trên ngày bắt đầu giao dịch của chúng.
Mỗi dòng tiền đi hoặc đến từ khách hàng trong các giao dịch nước ngoài được định giá bằng một tỷ giá hối đoái khác nhau. Do đó, một tỷ giá hối đoái lặp lại, tương tự như lãi suất lặp lại nên được chỉ định cho một giao dịch như vậy. Tuy nhiên, vấn đề tỷ giá hối đoái hiếm khi được hỗ trợ bởi các hệ thống FTP, vì nó không cần thiết cho việc quản lý rủi ro. Các ngân hàng thường giữ một vị thế ngoại tệ mở rất thấp, không chịu nhiều rủi ro trong lĩnh vực đó.